1.1. SỰ HÌNH THÀNH BỘ MÔN CẤP THOÁT NƯỚC

GS.TSKH.NGƯT. Trần Hữu Uyển (1), GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ (2),
PGS.TS NGƯT. Trần Đức Hạ(3), PGS.TS. Nguyễn Việt Anh(4)

(1) Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (1982-1987),
(2) Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (1987-1998),
(3) Nguyên trưởng Bộ môn Cấp thoát nước (1998 - 2014),
(4) Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng.

Sau khi hoà bình lập lại, Đảng và Chính phủ rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Năm 1956, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) đã cử một số sinh viên khoá 1 sang Liên Xô đào tạo đại học để làm lực lượng cán bộ giảng dạy cho trường, trong đó có chuyên ngành Cấp thoát nước (CTN).  Năm 1961, một nhóm các chuyên gia Liên Xô như các ông Nadusev, Sevchenco,… được cử đến làm quy hoạch cho Hà Nội. Cũng trong thời gian này, nhóm sinh viên của lớp đô thị khóa 3 thực tập và làm đồ án tốt nghiệp tại Viện Quy hoạch Hà Nội được các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn đồ án tốt nghiệp về cấp nước và thoát nước. Các sinh viên thời đó như Trần Hữu Uyển, Vũ Hải, Nguyễn Văn Cầm,… là những người đầu tiên làm đồ án tốt nghiệp về cấp nước, xử lý nước cấp, thoát nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Sau đó các thầy Vũ Hải, Trần Hữu Uyển được giữ lại làm cán bộ giảng dạy cùng với các thầy Hoàng Huy Thắng, Trương Quang Thao,… trong nhóm CTN thuộc Bộ môn Kiến trúc. Năm 1962, thầy Lê Bá Phong, tốt nghiệp đại học CTN Trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) Matxcơva về Trường ĐHBK làm cán bộ giảng dạy. Năm 1963, thầy Ngô Văn Sức, kỹ sư đô thị khoá 3, từ công trường xây dựng Trường ĐHBK và thầy Trần Đình Cương, kỹ sư xây dựng khóa 4 chuyên ngành CTN, cũng được giữ lại bộ môn Kiến trúc để giảng dạy CTN. Như vậy, từ đầu năm 1962 đã bắt đầu hình thành nhóm CBGD các môn học Cấp nước và Thoát nước trong Bộ môn Kiến trúc, Khoa Xây dựng, Trường ĐHBK. Từ năm 1963 đến 1965 hai thầy Ngô Văn Sức và Trần Hữu Uyển được cử đi tiến tu sinh về ngành Cấp thoát nước tại Trường Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, Trung Quốc.  Những năm sau đó, các thầy Lê Hoàng, Trần Vân Hải, Trần Hiếu Nhuệ, Lâm Minh Triết, Trần Cát, Đoàn Trinh… từ Liên Xô và Nguyễn Mạnh Hải, tốt nghiệp khóa 7 ngành Cấp thoát nước về tham gia vào đội ngũ CBGD CTN cho Trường ĐHBK. Ngành Cấp thoát nước bắt đầu đào tạo từ khóa 4 (trong ngành Đô thị) ở Trường ĐHBK, và chính thức đào tạo từ khóa 7 ở Trường ĐHXD.

Từ năm 1965, đất nước trong tình trạng chiến tranh, Trường ĐHBK phải sơ tán lên các tỉnh miền núi Lạng Sơn, Hà Bắc... Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước vẫn chú trọng phát triển các trường đại học, chuẩn bị lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước. Ngày 8 tháng 8 năm 1966, Chính phủ ra quyết định số 144/CP thành lập Trường ĐHXD. Sau đó các khoa và các bộ môn được hình thành. Ngày 4 tháng 1 năm 1967, Bộ môn CTN được hình thành trong Khoa Xây dựng, Trường ĐHXD, trên cơ sở tách các CBGD về CTN từ Bộ môn Đô thị, Khoa Kiến trúc ra. Thầy Ngô Văn Sức được cử làm tổ trưởng đầu tiên của Bộ môn.

Các thầy Ngô Văn Sức, Trần Hữu Uyển trong phòng thí nghiệm trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc năm 1964

Đến nay, ngành CTN Trường ĐHXD đánh dấu  mốc 55 năm đào tạo và 50 năm thành lập Bộ môn giảng dạy đại học ngành Cấp thoát nước đầu tiên của Việt Nam. Quá trình phát triển của Bộ môn có thể tóm tắt qua 3 giai đoạn chính:

- Giai đoạn 1961-1975: Giai đoạn hình thành bộ môn CTN và hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy đồng bộ cho các môn học cơ sở và chuyên ngành, Bộ môn Cấp thoát nước nằm trong Khoa Xây dựng. Trường ĐHXD bắt đầu đào tạo các lứa Kỹ sư Xây dựng chuyên ngành CTN các hệ dài hạn và tại chức đầu tiên.

- Giai đoạn 1976-1982: Sau giải phóng miền Nam, Bộ môn Cấp thoát nước nằm trong Khoa Vật liệu xây dựng và Kỹ thuật vệ sinh. Đây là giải đoạn xây dựng, phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng đào tạo trong khi trường ĐHXD còn đóng ở nơi sơ tán (Hương Canh, Vĩnh Phú).

Các cán bộ giảng dạy của Bộ môn CTN, thời kỳ ở Hương Canh, Vĩnh Phúc
(từ bên trái sang: Đỗ Hải, Nguyễn Văn Tín, Ngô Văn Sức, Nguyễn Mạnh Hải, Trần Hiếu Nhuệ, Vũ Hải, Trần Hữu Uyển, Nguyễn Thị Kim Thái)

- Giai đoạn từ năm 1982 đến nay: Đây là giai đoạn phát triển mở rộng cả về chất lượng và quy mô đào tạo. Giai đoạn này Bộ môn CTN nằm trong Khoa Kỹ thuật Môi trường. Nguồn nhân lực của Bộ môn ngày một lớn mạnh và phát triển. Thời điểm này Trường ĐHXD đã ổn định cơ sở vật chất tại Hà Nội và đã phát triển đồng bộ các cấp đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư với các hình thức chính quy, văn bằng hai, vừa làm vừa học và liên thông đại học cho cả 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.

 

Những địa điểm Trường ĐHXD đào tạo Kỹ sư CTN

Xây dựng đội ngũ luôn được các thế hệ lãnh đạo Bộ môn, cùng với Nhà trường, đặc biệt quan tâm. Hiện nay Bộ môn CTN có tỷ  lệ cán bộ trình độ tiến sỹ vào loại cao nhất Trường ĐHXD (11/28), với 2 GS, 5 PGS. Hiện Bộ môn có 10 CBGD đang làm NCS, trong đó có 6 NCS ở nước ngoài. Lực lượng kế cận, các CBGD trẻ của Bộ môn đang hàng ngày phấn đấu, tự tin tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ đàn anh đi trước.

Các thầy cô giáo Bộ môn Cấp thoát nước năm 2012

Trải qua 55 năm đào tạo và 50 năm thành lập, Bộ môn CTN hiện nay là một đơn vị mạnh trong Trường ĐHXD, có uy tín lớn trong nước và ngoài nước về các hoạt động đào tạo và NCKH trong lĩnh vực Nước và Môi trường. Bộ môn CTN đã nhiều năm liền được tặng danh hiệu Tổ lao động XHCN, Tổ lao động xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001. Ba CBGD lão thành của Bộ môn được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý: GS.TS Trần Hiếu Nhuệ (Nhà giáo Nhân dân), GS.TSKH Trần Hữu Uyển và PGS.TS Trần Đức Hạ (Nhà giáo ưu tú).

Bộ môn CTN đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001

Những năm gần đây, các vấn đề nóng về môi trường như ô nhiễm môi trường đô thị, khu công nghiệp, ô nhiễm môi trường biển, hạn hán, xâm nhập măn, thiếu nước ngọt,... đang ngày càng nổi cộm. Nhiều cán bộ của Bộ môn là những chuyên gia hàng đầu, tham gia tích cực vào các điểm nóng, giải quyết các bài toán môi trường phức tạp, được sự tin cậy của các cơ quan quản lý Nhà nước và của cộng đồng.

Trong thời kỳ hiện đại hoá và công nghiệp hoá đất nước cũng như hội nhập quốc tế, nhiều thách thức đang đặt ra cho Trường ĐHXD nói chung và Bộ môn CTN nói riêng. Ngành CTN đang phải đổi mới, cả về nội dung, phương thức đào tạo, lẫn triết lý và phương pháp tiếp cận trong đào tạo đại học, sau đại học, sao cho thích ứng với các yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc đánh giá, xếp hạng các trường đại học, việc chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, thay đổi cách tiếp cận trong thiết kế chương trình, đổi mới nội dung đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra… là các thách thức, nhưng cũng là các động lực mạnh mẽ để ngành CTN Trường ĐHXD có cơ hội tự đánh giá, định hướng phát triển trong giai đoạn mới, để vẫn giữ vững vai trò tiên phong trong chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành Nước, cho lĩnh vực Kỹ thuật hạ tầng đô thị và công nghiệp, Bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Hiệu trưởng Trường ĐHXD, PGS. TS Phạm Duy Hòa chúc mừng sinh nhật
Bộ môn Cấp thoát nước, ngày 4/1/2016

Bộ môn CTN sẽ luôn đoàn kết, không ngừng xây dựng, kiện toàn lực lượng cán bộ, đảm bảo tốt yêu cầu đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, kỹ thuật cơ sở hạ tầng. Bộ môn sẽ tập trung vào những hướng nghiên cứu khoa học lớn, cập nhật kiến thức chuyên môn, nắm bắt các thông tin, công nghệ mới, bám sát yêu cầu của thực tiễn, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu của mình, đóng góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành Cấp thoát nước, của Nhà trường và của xã hội.

 

 

Hà Nội, tháng 10 năm 2016

Quay lại mục lục