1.2. 55 NĂM ĐÀO TẠO KỸ SƯ CTN TẠI TRƯỜNG ĐHXD

GS.TSKH.NGƯT. Trần Hữu Uyển (1), GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ (2),
PGS.TS NGƯT. Trần Đức Hạ(3), PGS.TS. Nguyễn Việt Anh(4)

(1) Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (1982-1987),
(2) Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (1987-1998),
(3) Nguyên trưởng Bộ môn Cấp thoát nước (1998 - 2014),
(4) Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng.

Từ 1961, kể từ khi các sinh viên Xây dựng làm đồ án tốt nghiệp đầu tiên về nội dung cấp nước và thoát nước tại Trường ĐHBK, tính đến nay đã được 55 năm. Đến nay, đã có nhiều trường đại học đào tạo kỹ sư CTN: ĐHXD, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thủy lợi, Đại học Thủy lợi – cơ sở phía Nam, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Dân lập Phương Đông, Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, ... Số lượng kỹ sư CTN đã được đào tạo từ các trường đại học trong nước ước tính khoảng 6300 người. Ngoài ra, các trường cao đẳng như Cao đẳng Xây dựng số 1, Cao đẳng Xây dựng số 2, Cao đẳng Xây dựng số 3, Cao đẳng Xây dựng Miền Tây, Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị,… đều có đào tạo cán bộ kỹ thuật về CTN.

Ở Trường ĐHXD, các hệ đào tạo kỹ sư CTN là đại học chính quy (chính thức từ năm 1966), vừa làm vừa học (trước đây gọi là đào tạo tại chức, từ năm 1968). Từ năm 2011, lớp đại học CTN liên thông từ cao đẳng cũng bắt đầu được tuyển sinh.

Quá trình phát triển đào tạo kỹ sư CTN Trường ĐHXD có thể được chia thành 3 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1961-1975: Trong bối cảnh đất nước vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, nội dung cấp nước, thoát nước đô thị và công nghiệp đã được đưa vào chương trình giảng dạy cho các ngành Xây dựng, Kiến trúc và quy hoạch đô thị, những lứa Kỹ sư Xây dựng chuyên ngành CTN các hệ dài hạn và tại chức đầu tiên được đào tạo. Đây cũng là giai đoạn hình thành bộ môn CTN và hoàn thiện đội ngũ cán bộ giảng dạy đồng bộ cho các môn học cơ sở và chuyên ngành.

- Giai đoạn 1976-1982: Sau giải phóng miền Nam, nhu cầu phát triển cán bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng đất nước ngày càng tăng. Khoa Vật liệu xây dựng và Kỹ thuật vệ sinh với các ngành đào tạo là CTN, Thông gió cấp nhiệt và Vật liệu xây dựng được thành lập. Mặc dù trường ĐHXD còn đóng ở nơi sơ tán (Hương Canh, Vĩnh Phú), nhưng số lượng và chất lượng đào tạo vẫn không ngừng tăng lên.

- Giai đoạn từ năm 1982 đến nay: Đây là thời kỳ đổi mới, với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song song với sự phát triển kinh tế, xã hội là sức ép đối với môi trường và hạ tầng đô thị ngày càng gia tăng. Nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực cấp nước, vệ sinh môi trường và quản lý tài nguyên nước rất lớn. Trường ĐHXD đã phát triển đồng bộ các cấp đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư với các hình thức chính quy, văn bằng hai, vừa làm vừa học và liên thông đại học cho cả 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ngoài các lớp đại học và sau đại học tại Hà Nội, các lớp kỹ sư bằng hai, kỹ sư vừa làm vừa học cũng được mở ra tại các thành phố Hải Phòng, Hạ Long, Việt Trì, Đà Nẵng, Hội An, Cao Lãnh, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các địa phương.

Năm 2001, Trường ĐHXD đã phối hợp với Hội Cấp thoát nước Việt Nam mở lớp đại học CTN hệ vừa làm vừa học với số lượng 95 sinh viên tại thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, mở lớp kỹ sư bằng hai ngành CTN cho Tổng công ty Cấp nước Sài gòn (SAWACO) và các đơn vị khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, lứa kỹ sư tốt nghiệp này đã và đang cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho ngành nước các tỉnh phía Nam. Gần đây nhất, hơn 60 kỹ sư vừa tốt nghiệp hệ văn bằng hai, vừa làm vừa học ngành CTN tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Ngay sau khi tốt nghiệp, số kỹ sư này đã được giao đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, đáp ứng yêu cầu nguồn cán bộ chất lượng cho 2 công ty.

Tính đến cuối năm 2016, đã có 3.697 kỹ sư CTN tốt nghiệp từ Trường ĐHXD, trong đó có 2.651 sinh viên hệ chính quy.

Từ năm 2011, trường ĐHXD cũng đã bắt đầu tuyển sinh các lớp đại học liên thông về CTN với nguồn tuyển từ sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng xây dựng trong cả nước.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành CTN tại Trường ĐHXD

Theo chuẩn đầu ra của trường ĐHXD, sinh viên tốt nghiệp ngành CTN có thể làm việc với chức danh Kỹ sư ngành Cấp thoát nước tại các công ty tư vấn hoặc xây lắp; ban quản lý dự án đầu tư các công trình xây dựng, công trình cấp thoát nước và công trình kỹ thuật hạ tầng, kỹ thuật môi trường khác; làm kỹ sư quản lý vận hành, khai thác các hệ thống cấp nước, thoát nước, các nhà máy xử lý nước cấp, nước thải, kiểm soát ô nhiễm nước, quản lý chất thải rắn cho các đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư hoặc các nhà máy, xí nghiệp; làm việc tại các cơ quan quản lý môi trường hoặc quản lý xây dựng tại trung ương và địa phương; làm cán bộ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện cấp nước, vệ sinh, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường hoặc xây dựng. Sinh viên cũng có thể học bổ sung thêm các kiến thức chuyên môn để nhận bằng kỹ sư xây dựng các chuyên ngành khác, học cao học và nghiên cứu sinh các chuyên ngành Cấp thoát nước, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Kỹ thuật tài nguyên nước, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ môi trường hoặc Công nghệ kỹ thuật xây dựng…

Đồng chí Trịnh Đình Dũng, cựu sinh vinh K18CTN về thăm Bộ môn Cấp thoát nước

Lễ bảo vệ luận văn Thạc sĩ

Lễ trao bằng tiến sĩ và thạc sĩ: các tân Tiến sĩ, Thạc sĩ ngành CTN, KTCSHT

Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp ngành CTN tại trường ĐHXD

Do nhu cầu hội nhập quốc tế, đổi mới, cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm học 2011-2012, Trường ĐHXD bắt đầu mở lớp đại học CTN chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng Anh.

Nhóm sinh viên lớp chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng Anh (MNE) NCKH:
chăm sóc mô hình mái nhà xanh

Trong học tập, nhiều sinh viên ngành CTN đã phấn đấu tốt, đạt nhiều giải cao về NCKH của Bộ Giáo dục và Đào tạo và giải thưởng Đồ án tốt nghiệp xuất sắc (giải Loa Thành). Trong các năm 2003, 2004, 2006, 2008, 2009 và 2016, 6 học sinh tốt nghiệp ngành CTN là thủ khoa của trường ĐHXD, được tôn vinh tại Văn miếu – Quốc Tử Giám.

 

Sinh viên ngành CTN cùng các thầy tại Lễ trao giải Đ án tốt nghiệp xuất sắc

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, phương pháp và phương tiện giảng dạy luôn luôn được cải tiến. Bộ môn liên tục cập nhật thông tin, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo đại học và cao học. Phòng thí nghiệm CTN đảm bảo giảng dạy và nghiên cứu khoa học về cấp nước, thoát nước, kiểm soát ô nhiễm nước. Phòng thí nghiệm cũng là nơi các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên thực hiện các nghiên cứu chuyên đề, các luận án, luận văn, đồ án tốt nghiệp. Bằng sự nỗ lực của mình, thông qua các đề tài, nhiệm vụ KHCN, các dự án hợp tác, sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, các thầy, cô Bộ môn CTN đã từng bước vun vén, xây dựng một Phòng thí nghiệm mạnh về phân tích chất lượng nước, nước thải, bùn cặn, các mô hình thí nghiệm và trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nghiên cứu, với các quá trình công nghệ xử lý nước cấp (keo tụ, lắng, lọc, khử trùng), xử lý nước ngầm nhiễm sắt – mangan – amoni – asen, tuyển nổi, bùn hoạt tính, lọc sinh học, bùn sinh trưởng dính bám, phân hủy kỵ khí bùn, lọc màng MF, UF, NF, RO, màng lọc kỵ khí, ủ compost, thu gom và xử lý nước mưa, … Các phương tiện giảng dạy hiện đại được dần trang bị.

Trong nhưng năm gần đây, Bộ môn Cấp thoát nước, Khoa Kỹ thuật Môi trường, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây Dựng đẩy mạnh việc hợp tác trao đổi giảng viên và sinh viên với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới như ĐHTH Tokyo, Đại học Saitama, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Southamton, ĐHTH Darmstadt, Tập đoàn JFE, VEOLIA... Nhiều giảng viên trẻ của Bộ môn đã được tham gia các chương trình như “khóa học mùa hè” tổ chức tại Đức, Trung Quốc trong khuôn khổ hợp tác với tổ chức DAAD và ĐHTH Darmstadt. Bộ môn CTN đã chủ động mời nhiều chuyên gia nước ngoài tới làm việc, thuyết trình và giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Cấp thoát nước tại Trường Đại học Xây Dựng. Cũng nhờ các mối quan hệ, liên kết và hợp tác của Bộ môn CTN và Nhà trường mà trong những năm vừa qua nhiều lượt sinh viên Cấp thoát nước đã được đi thực tập, làm việc và trải nghiệm môi trường học tập nghiên cứu tại các trường đại học quốc tế cũng như các tập đoàn quốc tế. Quá trình đào tạo Sinh viên ngành Cấp thoát nước đã từng bước phát triển theo xu hướng của thế giới.

5

Các giáo sư các trường đại học châu Âu sang giảng bài tại ĐHXD

Các thầy cô Bộ môn CTN tham gia khóa học mùa hè tại ĐHTH Darmstadt Đức

Sinh viên Ngành Cấp thoát nước trải nghiệm khóa học tại Đại học Saitama Nhật Bản

JOI2016Vietnam20160709 019

Sinh viên Ngành Cấp thoát nước thực tập tại Tập đoàn JFE Nhật Bản.

Có thể nói, biên soạn giáo trình, tài liệu là một trong những thế mạnh tuyệt đối của Bộ môn CTN. Bộ môn đã phủ kín được giáo trình cho hầu hết các môn học chuyên ngành. Các giáo trình và tài liệu:  Cấp nước, Thoát nước, Thoát nước và xử lý nước thải công nghiệp, Xử lý nước thải sinh hoạt, Xử lý nước thải đô thị, Máy bơm và thiết bị CTN, Công trình thu và trạm bơm, CTN cho các ngành, Quản lý chất thải rắn, Sinh thái học và Bảo vệ môi trường, Cơ sở hoá học quá trình xử lý nước cấp và nước thải, Các quá trình vi sinh vật trong công trình CTN, Cấp nước và vệ sinh nông thôn, Công trình xanh, Vận hành và bảo dưỡng hệ thống cấp nước, và nhiều tài liệu tham khảo, sổ tay tính toán khác đã được biên soạn và xuất bản, phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các thầy, cô của Bộ môn đã xuất bản trên 100 đầu sách, sử dụng cho hầu hết các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.

Một số sách, tài liệu tham khảo do các thầy, cô Bộ môn CTN biên soạn

Từ năm 1988, Bộ môn CTN bắt đầu đào tạo nghiên cứu sinh. Từ năm 1992, bắt đầu đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ môi trường. Năm 2007 bắt đầu đào tạo thạc sĩ chuyên ngành CTN (đến năm 2012 đổi thành ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng). Năm 2011, lớp cao học CTN của trường ĐHXD cũng được tuyển sinh tại trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Tính đến nay, đã có 11 tiến sĩ và 203 thạc sĩ chuyên ngành CTN, Công nghệ môi trường, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng bảo vệ thành công luận án, luận văn tại Trường.

Số lượng tiến sĩ và thạc sĩ CTN – MTN, KTCSHT đã tốt nghiệp

Trường ĐHXD cũng là nguồn cung cấp và đào tạo cán bộ giảng dạy về CTN – Môi trường nước cho nhiều trường đại học trên toàn quốc như Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Thủy Lợi, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Duy Tân,…Từ một nhóm Kỹ sư Xây dựng chuyên ngành Quy hoạch và CTN đầu tiên (năm 1962) đến nay cả nước ta đã có một đội ngũ đông đủ các tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực CTN, kỹ thuật cơ sở hạ tầng, kỹ thuật môi trường, trong đó một phần lớn được đào tạo tại Trường ĐHXD.

Hầu hết các sinh viên tốt nghiệp từ Trường ĐHXD đều làm việc đúng trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Nhiều cựu sinh viên ngành CTN nắm giữ các trọng trách lớn ở các cơ quan, doanh nghiệp ở trung ương và địa phương như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, Phó chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc sở, Giám đốc doanh nghiệp, hay là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Mạng lưới cựu sinh viên ngành CTN đã trở thành cầu nối cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Bộ môn với môi trường bên ngoài.

 

 

Hà Nội, tháng 10 năm 2016

Quay lại mục lục