1.3. HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
GS.TSKH.NGƯT. Trần Hữu Uyển (1), GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ (2),
PGS.TS NGƯT. Trần Đức Hạ(3), PGS.TS. Nguyễn Việt Anh(4)
(1) Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (1982-1987),
(2) Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Cấp thoát nước (1987-1998),
(3) Nguyên trưởng Bộ môn Cấp thoát nước (1998 - 2014),
(4) Trưởng Bộ môn Cấp thoát nước, Trường Đại học Xây dựng.
Hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ là mũi nhọn truyền thống của các thầy cô giáo Bộ môn Cấp thoát nước. Các cán bộ của Bộ môn trưởng thành nhiều từ các hoạt động chuyên môn này, trở thành những chuyên gia lớn trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường.
Ngay từ những năm 1970 và 1980, các thầy, cô đã triển khai thực hiện các đề tài NCKH có giá trị thực tiễn cao. Điển hình là các đề tài NCKH như: Xử lý nước thải xí nghiệp đậu phụ Đội Cấn; Đánh giá hiện trạng hệ thống thoát nước Hà Nội; Nghiên cứu xử lý nước thải Hà Nội bằng hồ sinh học; Nghiên cứu khử sắt và mangan trong nước ngầm Hà Nội. Các cán bộ giảng dạy của Bộ môn tham gia vào các Chương trình KHCN cấp Nhà nước như Chương trình Sinh thái học phục vụ nông - lâm - ngư nghiệp (1978-1980), Bảo vệ môi trường KT-02 (1981-1985), 52D (1986-1990),… Thông qua việc đưa học sinh các khoá 18, 19 và 20 CTN xây dựng các tuyến cống thoát nước cho Hà Nội, cũng như tư vấn đóng góp trong việc giải quyết thoát nước Hà Nội, năm 1979, Bộ môn được UBND Thành phố Hà Nội tặng bằng khen.
Các thầy cô giáo tham gia khảo sát hệ thống thoát nước Hà Nội năm 1985
Thầy giáo và sinh viên tại công trường xây dựng nhà máy XLNT Đà Lạt
Đến nay, trong Bộ môn đã hình thành nên những hướng khoa học mũi nhọn như xử lý nước cấp chứa sắt, mangan; thoát nước và xử lý nước thải đô thị; thoát nước mưa đô thị; xử lý nước cấp và nước thải chứa các chất ô nhiễm đặc biệt như nitơ, asen, phốt pho; xử lý bùn và phân bùn; quản lý chất thải rắn; thoát nước và xử lý nước thải phân tán; quan trắc và dự báo ô nhiễm nước; thu gom và xử lý nước mưa; công trình xanh; ... Các công trình ứng dụng tiến bộ KHKT nổi bật do các thầy, cô Bộ môn CTN thực hiện là các công trình xử lý nước thải đô thị, công nghiệp, khu dân cư quy mô vừa và nhỏ: khu du lịch Bãi Cháy, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bệnh viện Hà Giang, Khu đô thị mới Xuân Mai, Khu di tích lịch sử K9, Khu danh lam thắng cảnh – di tích Tây Thiên, Làng nghề Lai Xá, Làng Hữu nghị cho nạn nhân chất độc màu da cam; Khu chung cư Làng hoa Thụy Khuê; Nhà máy Vicostone và Stylestone, vv...). Nhiều sản phẩm KHCN đã trở thành “thương hiệu” của các thầy, cô, của đơn vị, đã được triển khai ứng dụng ngoài thực tế hay chuyển giao cho các doanh nghiệp như: các giải pháp xử lý nước thải tại chỗ (bể BASTAF, bể AFSB, bể BASTAFAT); các công nghệ xử lý nước rỉ rác; xử lý nước thải công nghiệp bia và nước giải khát; giải pháp xử lý nước cấp cho khu dân cư và các trường học; công nghệ xử lý nước mặn và nước lợ để cấp nước sinh hoạt cho vùng ven biển và hải đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghệ xử lý chất thải cho bộ đội và cư dân vùng biển, hải đảo; các giải pháp thu gom, lưu trữ, xử lý và sử dụng nước mưa; công nghệ lọc màng kỵ khí; công nghệ phân hủy kỵ khí, xử lý bùn, phân bùn và chất thải rắn hữu cơ, thu hồi năng lượng; công nghệ xử lý chất thải nhà tiêu hộ gia đình; vv…
Mô hình phân hủy kỵ khí bùn, thu biogas
Đề tài nghiên cứu xử lý nước nhiễm mặn bằng công nghệ lọc màng
Các giáo sư, phó giáo sư của Bộ môn CTN đã tham gia nhiều chương trình NCKH lớn, cũng như tham gia xây dựng, phản biện, góp ý các chiến lược, chính sách, các văn bản pháp quy, các chương trình quan trọng của Nhà nước về các lĩnh vực công nghệ và quản lý môi trường, CTN, kỹ thuật hạ tầng... như: Chiến lược phát triển công nghệ môi trường (2004), Đề xuất xây dựng chiến lược hợp nhất lĩnh vực Vệ sinh môi trường Việt Nam (2006), Nghị định Cấp nước, Thoát nước, Quản lý chất thải rắn (NĐ 59, 88, 117, 80…), Điều chỉnh định hướng thoát nước đô thị và công nghiệp Việt Nam đến 2025, tầm nhìn 2050, QCVN 07:2016; TCVN 7957:2008; ... Trong 5 năm vừa qua, các cán bộ của Bộ môn CTN đã và đang chủ trì: 1 Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước; 1 Dự án hợp tác quốc tế về KHCN theo Nghị định thư cấp Nhà nước; 2 đề tài NCKH độc lập cấp Nhà nước; 2 đề tài NCKH trong Chương trình Quốc gia phát triển ngành công nghiệp môi trường; 2 đề tài trọng điểm và đề tài cấp bộ Giáo dục và Đào tạo; 3 đề tài NCKH cấp Bộ Xây dựng; 1 Dự án thực nghiệm cấp Bộ thuộc Chương trình Quốc gia về biển, đảo.
Bộ môn đã có các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, tăng cường năng lực thông qua các dự án hợp tác quốc tế như Dự án ESTNV do SDC (Thụy Sĩ) tài trợ; Dự án Giảng dạy về Vệ sinh chi phí thấp (LCST) và Biên soạn tài liệu giảng dạy về xử lý nước thải chi phí thấp, thuộc Chương trình EU-Asia link; Dự án hợp tác, trao đổi cán bộ và triển khai các nghiên cứu về môi trường với các trường đại học Nhật Bản JSPS, phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn trên thế giới như Viện Nghiên cứu về Nước Liên bang Thuỵ sĩ EAWAG, Viện Công nghệ châu Á AIT, Đại học tổng hợp Kumamoto, Đại học tổng hợp Tokyo, Đại học tổng hợp Kyoto, Đại học tổng hợp Kitakyushu (Nhật Bản), Đại học Gembloux, Đại học Leuven (Bỉ), Đại học tổng hợp Leeds (Vương quốc Anh), Đại học tổng hợp Linkoeping (Thuỵ Điển)... Bộ môn có quan hệ hợp tác chặt chẽ trong đào tạo với các trường đại học: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Thuỷ lợi, Đại học dân lập Đông Đô, Đại học dân lập Hải Phòng, Đại học dân lập Phương Đông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Môi trường và Tài nguyên và Khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, Trường Cao đẳng Xây dựng số 2, Viện Công nghệ môi trường, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam,… Bộ môn cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp ngành nước như Công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), Tổng công ty Đầu tư Xây dựng CTN và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), … Các thành viên Bộ môn là các cán bộ chủ chốt, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội CTN Việt nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam.
Trạm xử lý nước thải Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam |
Trạm xử lý nước thải Nhà máy Vicostone |
Trạm xử lý nước thải Khu danh tích - danh thắng Tây Thiên |
Trạm xử lý nước cấp CTCP Than Hà Lầm ứng dụng công nghệ lọc màng Nano |
Trong thời gian gần đây, Bộ môn đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, phối hợp với nhiều trường đại học, doanh nghiệp quốc tế để triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu quy mô lớn, có tầm cỡ, lôi kéo được nhiều cán bộ, giáo viên, NCS, HVCH và sinh viên tham gia, qua đó tăng cường năng lực chuyên môn và cập nhật các thành tự KHCN mới của quốc tế. Điển hình, có thể kể đến một số dự án hợp tác quốc tế lớn như Dự án hợp tác với EAWAG, Thụy Sĩ về Quản lý phân bùn bể phốt, hợp tác với Tập đoàn Lixil, Nhật Bản về phát triển nhà tiêu sinh thái kiểu mới, với ĐHTH Darmstadt, Đức về quản lý chất thải đô thị theo mô hình bán tập trung, với giải pháp xử lý kỵ khí hỗn hợp phân bùn bể tự hoại và chất thải rắn hữu cơ, thu hồi biogas, Dự án hợp tác với ĐHTH Leuven, Bỉ về lọc màng tích hợp trong bể xử lý nước thải phân tán, Dự án hợp tác với ĐHTH Tokyo về quản lý tổng hợp tài nguyên nước đô thị, Dự án hợp tác với Tập đoàn Mitsubishi Rayon về công nghệ màng lọc ứng dụng trong xử lý nước thải, Dự án hợp tác với ĐHQG Seoul, Hàn Quốc về thu gom và sử dụng nước mưa, … Với uy tín và vị thế đã được khẳng định trong mạng lưới quốc tế về cấp nước và vệ sinh môi trường, nhiều tổ chức quốc tế đã tin tưởng phối hợp với Bộ môn, với Trường ĐHXD, tổ chức nhiều Hội nghị quốc tế lớn, như Hội nghị quốc tế WEDC 2014, Hội nghị quốc tế FSM 2015, Hội nghị quốc tế SEAWE 2013 – 2016, … Bộ môn CTN cũng khẳng định năng lực nghiên cứu của mình qua việc công bố nhiều công trình khoa học có giá trị trong các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế. Chỉ tính trong giai đoạn 2011 – 2015, các thầy, cô của Bộ môn CTN đã công bố 22 bài báo quốc tế, 90 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước, được cấp 2 bằng sáng chế và 1 giải pháp hữu ích.
SỐ CÔNG TRÌNH KHOA HỌC DO BỘ MÔN CẤP THOÁT NƯỚC CÔNG BỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2016 |
||
TT |
Phân loại |
Số lượng |
1 |
Tạp chí khoa học quốc tế |
24 |
2 |
Tạp chí khoa học cấp ngành trong nước |
98 |
3 |
Tạp chí, Tập san cấp trường |
20 |
4 |
Giáo trình và sách tham khảo |
13 |
5 |
Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích |
3 |
Bộ môn Cấp thoát nước chủ trì tổ chức Hội nghị Môi trường nước Đông Nam Á
Việc hợp tác với các doanh nghiệp CTN trong cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài đang được Bộ môn chú trọng, quan tâm đẩy mạnh. Trong thời gian gần đây, các thầy, cô của Bộ môn tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống với Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội, Công ty Cấp nước Hải Phòng, Công ty Cấp nước Quảng Ninh, Công ty Cấp nước Bắc Ninh, Công ty Cấp nước Bà Rịa – Vũng Tàu, vv... Bên cạnh đó, một số hướng hợp tác mới cũng được mở ra, như hợp tác với Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai, Công ty Grundfos, …, với nhiều hoạt động chuyên môn cụ thể, hiệu quả.
Bộ môn Cấp thoát nước đến thăm và làm việc tại Công ty Cấp nước Hải Phòng
Lễ ký kết Hợp đồng chuyển giao công nghệ Tuyển nổi áp lực với Công ty Cấp nước Hải Phòng
Lễ ký thỏa thuận hợp tác và bàn giao mô hình bơm phục vụ NCKH & đào tạo với Công ty Grundfos
Trong thời gian sắp tới, theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cũng như theo định hướng phát triển của Trường Đại học Xây dựng là gắn giảng dạy với thực hành, nghiên cứu với chuyển giao công nghệ, Bộ môn Cấp thoát nước sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển mạnh các hướng nghiên cứu mới, sinh thái hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, dùy trì và đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế, đặc biệt là tăng cường hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các đơn vị tư vấn, doanh nghiệp Cấp thoát nước để gắn việc đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và nhu cầu của thị trường.
Hà Nội, tháng 10 năm 2016