4.4.3. Chuyện học tại Hương Canh
Nói riêng về khoa Kiến trúc. Nghĩ lại tôi vẫn thấy đây là mô hình trường đào tạo Kiến trúc lý tưởng. Bây giờ có ước cũng không được.
Thứ nhất, lớp học và phòng ngủ cạnh nhau, quá tuyệt vời. Chẳng lo ách tắc giao thông và đi học muộn. Nhiều thằng thầy giáo vào lớp rồi mới nhảy từ giường xuống, cắp vở chạy sang lớp học, vừa đi vừa cậy gỉ mắt.
Thứ hai là đứa nào mệt có thể nằm ở nhà, vẫn có thể nghe thầy giảng bài. Vì giữa phòng ngủ và phòng học ngăn bằng vách đất, chỉ ngăn tới vì kèo, bên trên để hở.
Đặc biệt có cái lợi là khi thi phòng bên, sẽ có vài đứa leo lên giường tầng bên phòng ngủ, viết bài giải lên một tờ giấy to rồi giương lên, gà bài cho thằng ngồi thi phòng bên kia.
Cái hay nhất chính là lúc thể hiện đồ án, chúng tôi có cả 1 tuần thể hiện, vẽ tại phòng bên nên không phân biệt đâu là phòng ngủ đâu là phòng vẽ, vẽ suốt đêm, vừa vẽ vừa hát hò rất vui. Cũng vì vẽ cùng nhau nên chúng tôi có thể học hỏi được nhau rất nhiều.
Đến bây giờ tôi vẫn thấy là là thời đó, ở vùng xa xôi mà nhà trường đã có điện là quá tốt, ít ra mỗi phòng cũng được 1 bóng điện. Điều hay nữa là nhà của khóa 23 ngay cạnh sân bóng, cứ khoảng 2-3 giờ là đã lịch bịch tiếng bóng rồi, đá bóng rồi đi ăn cơm, thật là tiện và vui.
Tất cả các khóa của khoa Kiến trúc đều theo mô hình này, nhà của các khóa đặt cạnh nhau nên chúng tôi cũng thường được các anh chị khóa trên dạy , truyền cho các ngón vẽ màu, làm bút tre, bồi giấy sao cho căng, cách lột giấy mỗi khi vẽ hỏng. Đổi lại là gầu múc nước, nồi và nhiều thứ khác của chúng tôi được các anh mượn và một đi không trở lại.
Hình như chúng tôi cũng không để bụng lắm chuyện này mà lại tìm cách để áp dụng với bọn khóa sau mới vào.
Chúng tôi cũng sang giúp các anh khóa trên thể hiện đồ án để học hỏi, cũng thường được sai bồi giấy hoặc mài mực tàu, kẻ chữ. Cũng học mót được khối thứ, biết ai vẽ đẹp, vẽ xấu và thực sự được xem các anh khóa trên vẽ cũng tạo cảm hứng cho chúng tôi học và làm đồ án.
Sau này tôi mới biết, tại các nước châu Âu, mô hình học kiến trúc có các khóa trên dưới giúp nhau cũng là mô hình khuyến khích được áp dụng.
Còn việc học trên lớp thì khá láng cháng, hầu như không có đứa nào có thói quen học bài hàng ngày cả, chỉ đến khi thi mới cày.
Được mỗi đồ án là vẫn chăm, chăm vẽ, mỗi đứa một cuốn sổ ký họa vẽ suốt ngày, vẽ cả thằng đang ngủ. Chủ nhật cũng thường rủ nhau lên đồi, ra bụi tre, chỗ có lò gạch để vẽ mầu nước. Phong cảnh ở Hương Canh cũng rất gợi cảm xúc .
Việc làm bài tập điêu khắc cũng rất thú vị, chúng tôi ra tận lò gạch ngoài thị trấn để xin đất nặn tượng. Có một phòng riêng còn được gọi là phòng Partenon cho học điêu khắc. Thằng Đ mặt gồ ghề được cả nhóm tranh nhau nhận làm mẫu để nặn cho dễ giống.
Trong khó khăn vậy mà chúng tôi vẫn được các thầy cô, các anh chị khóa trước truyền lại tình yêu học tập, yêu ngành nghề thì thật là quý.
Việc thi cử tại Hương Canh
Tưởng là ăn uống khổ thì học dễ, thực sự là không dễ tí nào. Đến kỳ ôn thi, mỗi môn có 3-4 ngày ôn, chúng tôi ôn thi rất nghiêm. Đi ăn về, vứt thìa vào một góc là cắm mặt học bài cả ngày cả đêm, không tán chuyện nữa. Đúng là sức trẻ, ngày thường chẳng động đến sách mà chỉ trong vài ngày tập trung học, có thể thuộc bài trong cuốn sách đến cả trăm trang.
Thi cử tại Hương Canh rất nghiêm túc. Tất cả đều thi vấn đáp. Đây thực sự là cuộc sát hạch khó mà gian dối. Sau khi bốc đề, mỗi sinh viên có 15 phút chuẩn bị rồi được gọi lên hỏi. Có 2 thầy hỏi một trò. Đến giờ tôi vẫn nghĩ đây là cách thi cử nghiêm túc nhất so với dạng thi viết như hiện nay.
Nói chung đứa nào khéo mồm cũng có thể có lợi thế. Đặc biệt là bọn con gái, không biết có phải dùng nước mắt để các thầy thương cho qua hay không, nhưng thấy cũng vẫn trượt như thường.
Mỗi kỳ thi của các khóa trên, tôi vẫn thường thấy đám con gái mắt đỏ hoe ra khỏi phòng thi, biết ngay là “téc” rồi ( téc tức là trượt).
Khóc cũng đúng thôi vì quy chế rất rắn, Nếu thi lại mà còn nợ .1,5 môn ( 1 môn chính, một môn phụ) là lưu ban (còn gọi là “tăng K”). Nếu tăng K trong 2 năm kế tiếp thì phải ra khỏi trường (còn gọi là “ bật bãi”). Bị đuổi về quê thời đó thật là nỗi nhục lớn.
Thế mà năm nào khóa dưới cũng đón vài anh chị khóa trên rớt xuống, khóa tôi cũng lại chuyển cho khóa dưới mấy đứa. Bây giờ có đứa có thể sinh hoạt cựu sinh viên với cả 3 khóa.
Những đợt thi lại, trước khi học chính thức khoảng 1 tháng, không khí trường nhộn nhịp lắm. Cũng vì những đứa thi lại mới ở nhà lên sau dịp hè, có nhiều cái ăn, ban đêm phòng nào cũng đỏ lửa nấu mỳ.
Có thằng nợ đến 7-8 môn mà vẫn trả nợ hết ngay trong hè đó, thật là tài. Khi đã thoát nạn, chúng nó hay hát ( Chế từ bài: Hát cho người nằm xuống của Trịnh Công Sơn)
“ Anh nằm xuống, không việc gì, lại đứng lên.
Cúi lom khom, quay trọn một vòng.
Rồi nằm xuống.
Không việc gì, lại đứng lên”
Mỗi khi có đứa nào hỏi: đã qua chưa? Nó lại diễn bài này rồi cười sằng sặc khoái chí lắm.
Lời bài hát của sinh viên về việc thi cử:
“Trường tôi, ăn bánh mỳ mà vẫn lên thi.
Nào Vật lý, Toán, Nga văn thi mấy lần mà vẫn không qua;
Nào kết cấu, thép , bê tông, téc quân sự trả mãi không xong”
Lời ca ấy là nỗi lòng của hầu hết sinh viên, nghe có phần ai oán, hình như chẳng có sinh viên không nợ môn nào trong 5 năm học.
Tôi vừa vào năm thứ nhất, còn đang học quân sự thì đã chứng kiến một anh khóa trên treo cổ tự vẫn trên cây Bạch Đàn ở đồi Trung Quốc. Chỉ vì đánh rơi mất cuộn bản vẽ Đồ án tốt nghiệp khi đi tàu, anh đã tăng K một năm, nếu hỏng lần này nữa thì phải về quê. Quẫn chí quá, thật thương tâm.
Lớp tôi khi vào 30 sinh viên mà lúc ra trường đúng khóa chỉ có 15.
Thi cử thì khó vậy nhưng vừa trả nợ xong , năm học sau, tính đâu vẫn vào đấy, vẫn lười, ở bẩn. Sáng lên lớp học, chiều đá bóng, tối thì đàn ca, đi quán, kiếm cái ăn. Chủ nhật thì về Hà Nội hay lang thang bên các trường Kiến trúc, Tài chính …ở Xuân Hòa, Vĩnh Yên. Tuổi trẻ chẳng nghĩ xa, vẫn thấy vui với bạn với bè.
“ Đời sinh viên cơm ăn không no.
Bố không cho nên không xu tiêu
Vẫn yêu em , ơi em thân yêu”
Có lẽ cái học được lớn nhất ở Hương Canh đó làm một tinh thần vượt khó, chịu đựng mà vẫn luôn lạc quan yêu đời.
PHC
Sưu tầm từ FB Tuấn Nguyễn Anh (https://www.facebook.com/tuanliencb)