4.4.1. Hương canh - một thời để nhớ

Hương Canh, nơi ĐHXD sơ tán 1970 - 1983

 

Một lần về hội trường, đứng trước cái cổng bề thế trên đường Giải Phóng Hà Nội, đập vào mắt chúng tôi là tòa nhà cao 6 tầng sừng sững trên nóc là dòng chữ trang trọng ĐẠI HỌC XÂY DỰNG dưới là logo rất đẹp của trường, tôi chợt hỏi mấy thằng bạn học: “Chúng mày có nhớ hồi ở Hương Canh cổng trường mình ở chỗ nào không?”. Cả bọn ngớ ra trước câu hỏi tưởng như ngớ ngẩn ấy, tranh luận ồn ào, cười phớ lớ rồi cũng chẳng thằng nào đưa ra câu tra lời có tính thuyết phục.

Từ khi tách ra khỏi trường ĐHBK, sau rất nhiều năm sơ tán ở Hà Bắc, Vĩnh Phú đến 1975 - 1976 Trường ĐHXD mới hoàn toàn nhập về một mối tại Hương Canh, gọi thế cho oai để có mùi thị thành chứ từ trường (nằm tại xã Quất Lưu - huyện Bình Xuyên) ra thị trấn Hương Canh đi bộ theo đường tắt lối qua ga Hương Canh cũng mất hơn 3 km còn đi theo đường tỉnh lộ 302B thì khoảng 5 km. Khoa Xây dựng là khoa cuối cùng rút từ cơ sở xã Tiền Phong -Mê Linh về hội nhập với khối đại đoàn kết đội ngũ đào tạo các kỹ sư xây dựng tương lai. Sự hội nhập của khoa Xây dựng được đánh dấu bằng một sự kiện khó quên, đó là mùa bóng năm 1975. Ở ĐHXD bóng đá luôn là môn thể thao Vua, nó chiếm trọn vẹn niềm say mê cuồng nhiệt đến mức độ sùng bái cực đoan, năm ấy đội tuyển khoa Xây dựng (chỉ gồm có các SV khóa 18 &19) với trang phục thi đấu là những chiếc áo lính cộc tay, đôi giầy cao cổ cùng những cái tên lạ hoắt: Vệ “híp”, Tuân “vịt”, Chung “ba tai”. Hùng “mỡ”, Hòa “mỡ”...đã thi đấu cực hay với lối đá tổng lực gây nỗi khiếp đảm cho tất cả các đội bóng tham gia giải.

Nếu đến trường bằng con đường chính thức thời ấy thì phải đi theo QL 2 qua thị trấn Hương Canh rẽ vào TL 302B đi khoảng 3 km thì có 2 lối rẽ vào trường, một đường đi qua gò Héo (nơi có xưởng trường và chính là nơi đã bị Mỹ đánh bom năm 1972) đến bộ môn Quân sự, bộ môn Mác - Lê, khu thư viện, phòng thí nghiệm.., con đường thứ 2 thì theo TL302B đi thêm 1 km nữa đến gần khu nghĩa trang tưởng niệm các liêt sỹ hy sinh trong chiến dịch Trần Hưng Đạo (Đông xuân 1950 – 1951) rẽ vào qua xưởng chế biến Mazi là đến ngay trung tâm của trường. Tuy vậy gần như tất cả SV và GV trong trường không mấy khi đi theo 2 con đường này mà chủ yếu đi theo con đường độc đạo cắt qua gò Héo rồi qua một đồi bạch đàn nơi có Nghĩa trang của trường chôn cất những GV và SV đã thiệt mạng trong vụ Mỹ đánh bom trường ĐHXD năm 1972 sau đó đi dọc theo tuyến đường sắt vào ga Hương Canh - Đồi bạch đàn này xứng đáng là cổng trường ĐHXD thủa ấy vì đó là nơi nghỉ chân, nơi chờ đợi đón đưa mong đợi của bao cái dạ dầy sinh viên lép kẹp mong đồ tiếp tế...Đã mấy chục năm trôi qua cứ nhớ đến chỗ này, tôi không bao giờ quên được cái biểu tượng sơn vôi trắng tại nghĩa trang của những người anh, người chị đồng nghiệp xấu số, biểu tượng của sự căm hờn và đau xót.

Từ khóa 18 trường bắt đầu đông lên rất nhiều, nếu các khóa trước các lớp chỉ có từ 15-20 sinh viên thì các khóa sau mỗi ngành đào tạo có đến mấy lớp, mỗi lớp đông từ 30-40 sinh viên. Có 8 khoa: Khoa Cơ bản (của các GV), các khoa Kinh tế xây dựng, khoa Thủy lợi - Cảng, khoa Kiến trúc Đô thị và khoa Xây dựng Dân dụng & Công nghiệp nằm trên những quả đồi sát nhau địa hình khá bằng phẳng và rộng lớn. Do địa bàn này thường xuyên là thao trường tập quân sự và là đường đi tắt của sinh viên khi đi tầu nhanh tại ga Vĩnh Yên nên việc “rải truyền đơn” cũng được đám SV mặc định quy hoạch, chỉ khổ thằng nào ngớ ngẩn đi lạc đường thì việc vấp phải “mìn” là lẽ đương nhiên! Các khoa Cầu đường, khoa Máy Xây dựng và khoa Vật liệu & Kỹ thuật Vệ sinh nằm phía bên này sân bóng, địa hình cao hơn nên rất hiếm nước. Khoa Xây dựng đông nhất thời đấy (khoảng 1500 SV) được gọi là khoa Trung Quốc, khoa Vật liệu & Kỹ thuật vệ sinh (khoảng gần 1000 SV) được gọi là khoa Ấn Độ. Mỗi trận đấu bóng của 2 khoa này gặp nhau là sân bóng đông nghịt không chừa một khoảng trống. 

Khoa Vật liệu & Kỹ thuật vệ sinh được viết tắt là khoa Vật liệu & KTVS, chính cái chữ KTVS này đã làm không ít thằng SV xấu hổ vì nghe cái tiếng Kỹ thuật vệ sinh cứ có vẻ bẩn bẩn thế nào ấy cho nên chúng nó tự cắt chỉ còn gọi là khoa Vật liệu? Khoa đào tạo 3 chuyên ngành khác nhau: Ngành Vật liệu đào tạo các kỹ sư Công nghệ VLXD, Ngành Thông gió cấp nhiệt và Ngành Cấp thoát nước (chính là bọn KTVS) nay trở thành những ngành HOT và lập thành khoa Môi trường. Có lẽ trời thương vì phải khổ do phải mang tên “bẩn bẩn” nên SV của các ngành này đều ăn nên làm ra, khối tay phát về đường quan lộ đã làm bí thư, chủ tịch các tỉnh. Thậm chí có người còn đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng.

Rất nhiều kỷ niệm về trường khi còn học ở Hương Canh, những chuyến trốn vé tầu tán các em ĐHSP, ĐHTC, những trận đấu bóng đá trong trường và với các đội bóng các trường ĐH khác, thậm chí cả những mùa thi lại vui như tết... Những giai thoại truyền kỳ có thể kể cả ngày không hết và sẽ có dịp ôn lại. Riêng về mặt chuyên môn về nghề cũng nhắc lại một chút.

Có 3 công trình ấn tượng mà bây giờ chỉ còn là ký ức một thời của SV ở Hương Canh mà không được ghi vào “biên niên sử” của ngành XD. Đó là ngôi nhà 2 tầng bê tông cốt tre, ngôi nhà này nằm ở trung tâm của trường, tôi không biết đó là tác phẩm của ai nhưng lực lượng thi công là các kỹ sư tương lai khóa 14 trước khi ra trường, ngôi nhà ấn tượng đến nỗi rất hiếm thằng có đủ can đảm để trèo lên vì sợ bị sập, nó cứ nằm sừng sững thách đố rất ngứa mắt suốt bao năm mà chẳng ai dám phá đi, thậm chí đám SV còn phao tin “Thằng nào bí mật làm sập ngôi nhà sẽ được thầy Dạn trọng thưởng”, hình như nhà trường sau này tìm ra một giải pháp có tính răn đe là làm nơi nhốt những thằng SV bất trị???

Tác phẩm thứ hai là Sân khấu nổi ngoài trời, đây là một quả đồi được bạt đi rồi đặt các tấm bê tông làm các chỗ ngồi, các tấm bê tông này là bê tông cốt đất, tức là làm khuôn rồi trộn cát sỏi xi măng làm vách xung quanh sau đó cho đất vào đó làm cốt. Sáng kiến này đã cho lợi ích là từ 1 viên bê tông có thể làm thành 2-3 viên, sau này bọn PMU18 làm bê tông cốt tre, bê tông cốt đất thì không có gì đáng gọi là “sáng tạo” cả vì trước đó đã được các tiền bối ở Hương Canh thực thi? Thời tôi học ngoài những đêm hội diễn văn nghệ tại đây thì sân khấu nổi có 2 sự kiện lớn: Một là nhà thơ Xuân Diệu lên bình thơ, đêm đấy SV đông kín không còn một chỗ ngồi thế mà hệ thống loa đài thì câm tịt nên nhà thơ phải nói bằng loa cầm tay, Xuân Diệu bực lắm nên cầm cái loa tay ngược lại để diễn thuyết một lúc rồi mới xoay chiều lại, đó là một đêm thơ thật hay. Bộ phim Kinh Kông được chiếu cũng tại sân khấu này vào năm 1976 (thời đó bị cấm) hồi đó nghe kể lại SV các trường khác GATO lắm, hôm ấy xem xong nhiều thằng sợ vãi tè ra quần! 

Một công trình khác mà không muốn kể đến nhưng thực sự đó là ác mộng một thời- Đó là loại nhà WC không cần cửa, chỉ cần 5-6 m2 với vài tấm bê tông là làm đươc cái WC có 6 buồng . Dạo ấy SV thường phải ăn bo bo nên thằng nào ban ngày mắc chứng đau bụng mà phải lao vào gặp Wiliam Cường thì thật là khốn nạn.

Vào Google, gõ tìm kiếm về Đại học Xây dựng Hà Nội - Ngôi trường thân yêu chúng tôi đã từng học tập với biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng thế hệ chúng tôi thật tự hào là mình đã từng từng là SV ĐH Xây dựng Hà Nội. Rất nhiều thông tin qua Wikipedia, Diễn đàn SV ĐHXD rồi cả trang tin về Hội SV Trường ĐHXD, các trang tin thiết kế đều khá đẹp nhưng phần lịch sử và phát triển của trường viết không đến một dòng về thời kỳ ở Hương Canh. Một mảnh đất đã gắn bó máu thịt với rất nhiều thế hệ SV, một mảnh đất đã thực sự tạo ra một phong cách sống mà chúng tôi thường gọi một cách dân dã: chất Xây dựng! Cái chất này lứa những thằng đã từng ở Hương Canh luôn có: Đó là sự bỗ bã thẳng thắn trong cuộc đời, là sự hết lòng với nhau trong công việc, là niềm tin và sự hết mình trong tình bạn, thậm chí cả những sự ngỗ ngược đầy cá tính...Giờ phút này gặp nhau nếu không gọi tên nhau bằng những biệt danh, không nói tục với nhau vài câu thì tức là ...không còn gì để nói!!!

Tôi viết cái Stt này để nói với với những người bạn trên FB đã từng sống ở Hương Canh: Về với Hương Canh đi các bạn – Nơi đó chúng ta đã sống những ngày thật đáng nhớ - Viết và chia sẻ với nhau đi! Mình cùng mua vé để trở về cái thời “Bừng bừng cháy lửa nhiệt tình đầy niềm tin mơ ước bao la – Ta về đây vui ca vang bài ca đi dựng xây nước nhà...”

TNA

Sưu tầm từ FB Tuấn Nguyễn Anh (https://www.facebook.com/tuanliencb)

Quay lại mục lục