4.2.8. Đứa con ngày ấy

 

 

 

 

Nguyễn Văn Thể

Cựu sinh viên: K51 – MN1

Cựu học viên cao học: Kỹ thuật cơ sở hạ tầng 11/2012

Email: Thenguyenvan.water@gmail.com

Đơn vị công tác: Công ty CP Tư vấn Đầu tư & Thiết kế xây dựng Việt Nam – Bộ Xây dựng

Hà Nội đã vào Thu. Mùa thu - mùa của yêu thương, khơi gợi cảm xúc trong mỗi chúng ta, khơi gợi những kỉ niệm tưởng nhớ mà lại quên. Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời của tháng mười mùa thu. Vẫn bầu trời xanh cao, vẫn bồng bềnh những tầng mây khéo đan xen, vẫn những giọt nắng vàng chiếu tia nắng lấp lánh, kết thành bức tranh mùa thu huyền ảo. Tôi đạp xe đi trên những con đường quen thuộc của Hà Nội. Đạp xe qua đường Giải Phóng, ngang qua trường cũ – trường Đại học Xây dựng, trong lòng thấy nôn nao, lâng lâng lạ lùng. Chợt mênh mang cảm xúc gợi về trường, lớp, Thầy cô, bạn bè năm xưa, những kỷ niệm một thời gắn bó với mái trường ấy, với Khoa Kỹ thuật Môi trường khiến những mạch cảm xúc trong tôi cứ dồn dập ùa về; Chúng dường như muốn dàn hàng, muốn xô đẩy, chen lấn nhau để bày tỏ nỗi niềm.

Nguyễn Văn Thể và các bạn lớp Cao học Kỹ thuật cơ sở hạ tầng

trong lễ phát bằng năm 2014

Tôi dừng xe, gửi xe vào khu gửi xe thân thuộc của trường. Lang thang bước đi trên sân trường, thả hồn mình vào cái không gian đặc trưng của ngôi trường ấy. Tôi nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu và cảm nhận, hình như gió thu kia đang cuốn những kí ức của một thời sinh viên đã qua ùa về trong tâm trí.

Nhật ký, ngày … tháng … năm …

Thời gian như “bóng qua cửa sổ”. Vậy là, đã mười mùa thu trôi qua, biết bao sự đổi thay, tôi đã có nhiều trải nghiệm hơn, tôi đã nhận ra được nhiều hơn những giá trị của cuộc sống, của tình người; Đời người thực sự là những chuyến đi và trên những chuyến đi ấy, chúng ta lại được gặp gỡ những con người mới, được đón nhận những tình yêu mới, những thành công, những thất bại và cả những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống thật đắt giá; Để rồi tôi chợt mỉm cười nhận ra rằng những gì ta đã trải qua không phải là sự ngẫu nhiên mà dường như nó đã được sắp đặt từ trước và sự sắp đặt ấy được tạo nên bởi chữ “duyên”.

Tôi thả hồn tôi trong quá khứ, đắm mình trong những kỷ niệm của mười năm trước, tôi quyết định thi vào Trường Đại học Xây dựng và quyết định đăng kí vào ngành Cấp thoát nước (mã ngành 104) đúng vào phút cuối. Thế đó! Cái “duyên” lúc đầu do tôi tự tạo ra. Và chính cái khởi đầu ấy đã kéo theo sự xuất hiện của rất rất nhiều mối lương duyên khác: Cái duyên đến với Khoa Kỹ thuật Môi trường, với Bộ môn Cấp thoát nước; Cái duyên được gặp gỡ với những con người mới đó là: Các Thầy cô giáo trong bộ môn, các Thầy cô trong khoa, trong trường; Những bạn bè cùng lớp, những bạn bè trong trường và trong ký túc xá của tôi…

Tôi tìm cho mình một khoảng lặng trong nhịp sống hối hả hàng ngày, tôi dạo bước trên sân trường hoài niệm về quá khứ, về các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ tôi ở mái trường này. Những người thầy đáng kính của bao thế hệ học trò, đã gạt đi những cám dỗ đời thường để xứng đáng với câu nói của một nhà giáo dục học vĩ đại người Slôvakia Comenxki (1592-1670): “Dưới ánh nắng mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Có thể kể ra GS.TSKH.Trần Hữu Uyển, PGS.TS.Trần Hữu Nhuệ, PGS.TS.Trần Đức Hạ, PGS.TS.Ứng Quốc Dũng, PGS.TS.Trần Việt Nga, PGS.TS. Nguyễn Việt Anh (trưởng Bộ môn Cấp thoát nước), TS.Nguyễn Hữu Hòa, TS. Trần Thị Hiền Hoa,…Mỗi thầy cô là một phong cách riêng nhưng tựu chung là sự tâm huyết vì học trò, vì sự phát triển trong tương lai của ngành Nước Việt Nam.

Ở Bộ môn, Thầy cô không những giỏi chuyên môn mà còn tâm huyết với sinh viên và cũng rất nghiêm khắc với sinh viên, người ta bảo: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên tôi hiểu Thầy cô thương sinh viên rất nhiều, Thầy cô muốn chúng tôi bứt phá hơn, nỗ lực hơn nữa…Thầy cô cũng chia sẻ với sinh viên chúng tôi nhiều câu chuyện ý nghĩa. Những lớp sinh viên của Bộ môn trở thành những chuyên gia Cấp thoát nước “Vừa hồng, vừa chuyên” góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đối với sinh viên, để có kiến thức Thầy cô khuyên: “Cần phải đọc nhiều sách chuyên môn, nhưng mỗi quyển sách chỉ có một số điều mới lạ, bổ ích về một vấn đề nào đó. Hãy tìm ra điều đó và so sánh, đối chiếu sự khác biệt giữa những tài liệu này với nhau” và “Khi học và đọc sách hãy luôn luôn đặt câu hỏi: Tại sao? Tại sao? Và tìm câu trả lời thì sẽ hiểu rõ vấn đề”. Đối với Đồ án sinh viên, hay Luận văn cao học,.. đều được Thầy cô sửa chữa cẩn thận, gọt giũa đến từng câu, từng chữ. Có những điều tưởng đơn giản nhưng rất cần thiết, Thầy cô khuyên: “Cần suy nghĩ kỹ trước khi viết, để viết rồi thì không cần sửa nữa”. Có những điều tưởng đơn giản nhưng rất cần thiết, Thầy cô nhắc nhở tôi: “Ngữ pháp tiếng việt phải nắm thật vững, văn nói cũng như văn viết phải rõ ràng, mạch lạc, dùng từ ngữ chính xác thì mới truyền tải được đầy đủ nội dung mình muốn trình bày”. Đến bây giờ khi đã đi làm, bằng những kiến thức lĩnh hội trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường để rồi khi gặp vấn đề chuyên môn khó, nhớ đến những lời giảng, những chia sẻ chân thành của Thầy cô, tôi thêm tự tin hơn và giải quyết vấn đề một cách logic, biện chứng và sáng suốt. Tôi thêm “thấm” và trân trọng lời chỉ dạy của Thầy cô hơn.

Nhật ký, ngày … tháng … năm …

Mạch cảm xúc ơi, xin tạm dừng! Xin hẹn một dịp gần nhất lại cuộn trào nhé! Hứa với mình, hứa với Thầy cô Bộ môn, với Khoa, với Trường. Chúng em – Những đứa con từ “cái nôi” của trường Đại học Xây dựng sẽ không ngừng học hỏi, nỗ lực phát triển bản thân, đóng góp nhiều hơn nữa cho gia đình, cơ quan, tổ quốc. Nghẹn lời cất lên tiếng thân thương: “Tôi yêu trường tôi!

 

Thông tin bài viết: Bài viết là tình cảm của cá nhân đối với trường Đại học Xây dựng, với Thầy Cô Bộ môn Cấp thoát nước,…có điều gì chưa chính xác rất mong nhận được sự lượng thứ và chỉ bảo góp ý chân thành của các Thầy cô, các anh chị trong ngành, các bạn cùng lớp, cùng trường....Cá nhân tác giả sẽ rất biết ơn điều đó.

 

Quay lại mục lục