4.2.7. Kỷ niệm nghiên cứu khoa học thời sinh viên

Nhắc đến quãng đời sinh viên, chắc hẳn tất cả chúng ta đều có không ít những kỷ niệm, bởi sinh viên là thời gian đẹp nhất trong mỗi đời người. Tại đó, bạn được làm mọi điều bạn thích, thoả sức mơ những điều bạn muốn và tràn đầy nhiệt huyết vào tương lai. Đối với tôi, tôi cũng phát hiện ra một niềm đam mê của mình đối với nghiên cứu khoa học!  Đến nay, dù không làm công tác nghiên cứu chuyên môn nhiều mà tập trung vào kinh doanh, nhưng tinh thần tìm tòi, nghiên cứu khoa học luôn là một ngọn lửa dẫn đường cho hoạt động của chúng tôi.

Cựu sv Mai Văn Tiệm,  K48 CTN

Tôi bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên từ cuối năm thứ ba, cùng team với tôi còn có hai ông bạn chí cốt Trần Quang Trung, Hồ Xuân Quỳnh và hai ông bạn khoá sau là Phạm Văn Ánh và Phạm Văn Hoá. Từ nhóm nghiên cứu này, chúng tôi cũng trở thành những người bạn thân thiết sau này khi đã ra trường. Dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Việt Anh, chúng tôi tham gia nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tuyển nổi cho xử lý nước cấp và xử lý bùn cặn. Đề tài chúng tôi thực hiện được nghiên cứu qua ba bước: Bước một: Nghiên cứu lý thuyết. Bước hai: Chế tạo và nghiên cứu mô hình trong phòng thí nghiệm. Bước ba: Nghiên cứu mô hình trong điều kiện thực tế. Với những bước đi bài bản như vậy, nhóm chúng tôi đã tiếp cận và học hỏi được rất nhiều từ phương pháp tiếp cận, cách xử lý vấn đề và tổng hợp, rút ra được ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu. Đặc biệt việc chạy mô hình trong phòng thí nghiệm đã để lại trong chúng tôi không ít kỷ niệm đủ cả vui, buồn, lo lắng, phấn khích và nhiều… hậu quả.

Trong phòng thí nghiệm

Thời gian đầu, để chạy mô hình, chúng tôi sử dụng nước sạch của Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường. Viện chỉ có một cái téc nước sạch 3m3 mà mô hình chúng tôi sử dụng hơn 1 m3 cho mỗi mẻ chạy, và kết quả là thường xuyên hết sạch nước trong téc, báo hại các thầy và các bạn không có nước vệ sinh để dùng. Cũng bị các thầy mắng mấy lần vì tội xả hết sạch nước nhưng nhìn mấy thằng đam mê quá, chạy mô hình cả ngày ướt như chuột nên cũng thương tình bỏ qua. Sau đó ít bận, chúng tôi được đầu tư mua cái téc mới để chứa nước nên không làm hết nước của Viện nữa nhưng lại gây vấn đề mới, lụt cả sân Viện do chúng tôi xả nhiều quá, tắc cống. Thật là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

Chạy mô hình ngoài thực tế

Team chúng tôi mỗi thằng một tính, nhưng khi làm việc chung với nhau thực sự say mê và nhiều suy nghĩ, trăn trở với mô hình. Kết thúc quá trình chạy mô hình trong phòng thí nghiệm, với một số cải tiến, chúng tôi “vác mô hình lên và đi”, chinh chiến các nguồn nước khác nhau, từ nước mặt sông Hồng, đến sông Trà Lý ở Thái Bình, sông Đa Độ ở Hải Phòng, sông Tiền, sông Hậu ở Vĩnh Long. Các chuyến đi kéo dài cả tháng, trong đó chuyến đi Vĩnh Long là nhiều ấn tượng hơn cả. Với thời gian chạy dài, thử nghiệm với các nguồn nước trên cả nhánh sông Tiền và sông Hậu, đề tài nghiên cứu của chúng tôi có nhiều cải tiến và thu được những kết quả quan trọng.

Hồi đó, để phục vụ vận hành và tìm cách cải tiến mô hình thí nghiệm, chúng tôi gần như ăn, ngủ, thức cùng mô hình. Có những đêm kết quả vận hành ban ngày không tốt, không ngủ được, tôi bật dậy đi xuyên qua nhà máy sang khu công trình để xem lại mấy thiết bị. Vừa đến nơi, tôi ngạc nhiên quá, dưới ánh sáng trăng mô hình của chúng tôi trở nên mờ ảo, lung linh và đẹp tuyệt! Cảm giác thấy nó bỗng như có hồn, đang mỉm cười mời chào, đón gọi…

Chạy mô hình thí nghiệm tại Nhà máy nước Thái Bình

Khi tới Vĩnh Long, mô hình của chúng tôi vẫn đang gặp vấn đề ở vòi phun tạo bọt khí – chi tiết quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của quá trình Tuyển nổi. Tuy đã được thầy trao đổi nhiều về nguyên lý,  làm thử nhiều phương án, nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thật tình cờ, một hôm ba thằng đang ngồi chém gió với nhau sau bữa tối, chợt thấy anh chàng Ánh mân mê cái tê nhựa và cái đầu bịt, tôi chợt nảy ra ý tưởng nếu bịt đầu tê lại rồi đục lỗ và chèn cái kim phun vào thì sao nhỉ? Nó sẽ tuân thủ đúng nguyên lý thầy nói, và lại dễ chế tạo. Cãi nhau một hồi, chúng tôi quyết định làm thử. Ba thằng chụm đầu vào khoan khoan đục đục, và không thể kiềm chế được, chúng tôi tháo tung mô hình ra, thay cái vòi phun mới vào và khởi động mô hình ngay trong tối. Vừa khởi động máy nén khí, ngay lập tức, bọt khí phun ra trắng xoá, cả vùng phản ứng nhanh chóng chuyển mầu trắng sữa và váng bọt nổi lên nhanh như gạch cua. Độ đục nước đầu ra nhanh chóng giảm từ 5-10 NTU xuống nhỏ hơn 1 NTU. Không thể tin được. Không thể mô tả cảm giác của chúng tôi lúc đó, chỉ muốn hét lên: Ơ rê ka! Tìm ra rồi!  Gọi điện cho thầy, chúng tôi tranh nhau khoe sung sướng. Sau bao nhiêu tháng bế tắc, cuối cùng điểm mấu chốt của công nghệ đã được giải quyết. Thiết bị đó về sau đã được chúng tôi cải tiến dần thành phiên bản 2, 3, 4, cho chất lượng càng ngày càng ổn định, và nhóm chúng tôi đã được đăng ký sáng chế cùng thầy Việt Anh cho thiết bị này.

Chạy mô hình thí nghiệm tại Công ty Cấp nước Vĩnh Long

Một kỷ niệm nữa cũng rất đáng nhớ. Một buổi tối nọ, chúng tôi đang quanh quẩn với mô hình thì chợt thấy bóng người con gái đứng ở cổng sau của nhà máy nước. Nhìn thấy chúng tôi, người con gái ấy để lại một túi gì đó rồi lên xe máy chạy luôn. Chúng tôi tò mò đi ra thì giật bắn mình. Một đứa bé sơ sinh đang ngủ ngon lành trong túi. Chúng tôi hốt hoảng la lớn. Không kịp mở cổng, mấy thằng trèo qua tường, nhảy ra đường đuổi theo người đó nhưng không ịp. Quay trở lại vừa lúc đứa bé dậy, khóc to quá. Chúng tôi, mấy thằng con trai, không biết làm gì, ôm đứa bé lên mang vào. Trong túi có thư của mẹ nó để lại, viết là nhà nghèo quá không nuôi nổi, nhờ các bác nuôi giúp. Híc, nhờ ai chả nhờ, lại nhờ mấy thằng sinh viên. Chúng tôi báo cáo nhà máy, và một lúc sau có đoàn bên Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi đến làm thủ tục bế đi. Tôi được ký vào giấy như người tìm thấy bé. Sau buổi đó, tôi có đến thăm bé ở Trại trẻ mồ côi. Giờ đây không biết bé thế nào rồi. Hy vọng sau này còn có duyên gặp bé.

Trong cuộc sống, người ta có thể có nhiều niềm đam mê. Đối với tôi, Tuyển nổi không chỉ là một đề tài gắn bó với tôi từ thời sinh viên, mà cho đến nay, giải pháp này vẫn có duyên với tôi khi trở thành một trong những giải pháp mà Công ty tôi tiếp tục nghiên cứu và phát triển, giúp mang đến cho thị trường một giải pháp công nghệ tốt cho xử lý nước và bùn cặn với giá thành hợp lý. Đó là kết quả trực tiếp từ sự tìm tòi, suy nghĩ, trăn trở và đam mê với công nghệ nước. Tinh thần say mê nghiên cứu, dám nghĩ, dám làm, tìm hiểu những điều mới lạ, là ngọn đuốc soi đường cho hoạt động kinh doanh sau này của chúng tôi. "Stay hurry, stay foolish - Hãy sống khát khao, sống dại khờ!" Câu nói đó của Steve Job cũng thể hiện tinh thần và động lực của cả nhóm chúng tôi ngày ấy.

Giờ đây, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đều đã trở thành những cán bộ cốt cán của các doanh nghiệp. Tinh thần nghiên cứu khoa học, sự say mê vẫn luôn cháy trong chúng tôi, để mang đến cho đời nhiều giá trị. Cảm ơn các thầy cô đã dìu dắt. Cảm ơn mái trường Xây dựng đã giúp chúng tôi tìm thấy niềm đam mê của cuộc đời, tìm được giá trị của cuộc sống. Đó chính là nền tảng vững chãi cho chúng tôi hôm nay và ngày mai.

Mai Văn Tiệm
Cựu sinh viên khóa 48 CTN, Trường Đại học Xây dựng
Giám đốc Công ty Cổ phần Westerntech Việt Nam

Quay lại mục lục