4.2.2. Chuyện cũ kể lại

 Phó Giáo sư tiến sỹ Việt Anh, người bạn vong niên của tôi có gợi ý tôi viết vài điều gì  đó về ngành, mà tôi thì cứ kỳ cẩm làm ăn chứ nào biết viết lách gì, đành kể  lại với các thày, các anh chị và các bạn mấy chuyện cũ. Vâng, Tôi là cựu sinh viên Khoa KTMT, sinh viên lớp 20N, khoa lúc đó mang tên là khoa Vật liệu xây dựng & Kỹ thuật vệ sinh.

Vào trường tháng 12/1975, xuống ga Hương canh rẽ vào trường với chập trùng đồi thấp, dáng chiều dàn dạt, cỏ dại áy vàng, lác đác vài cụm hoa mua tím xác sơ. Đập vào mắt chúng tôi là nghĩa trang và bia căm thù với trang sách còn mở (sau này được biết là trường bị Mỹ ném bom hồi 1972, trong số người mất có cả vợ thày hiệu trưởng). Rồi tới Gò Héo, không khí học đường thoáng hiện khi mấy thày (có vẻ thế) mặc măng tô tay cầm bản vẽ hòa lẫn trong dòng người vào trường. Hôm đó ngoài thày và sinh viên vừa về nhà lên cộng với sinh viên tựu trường làm cho đường vào trường trở lên nhộn nhịp tấp nập hơn.Tiếng nhạc từ cột loa dìu dặt làm chúng tôi xốn xang.

  

Thế hệ chúng tôi khi được gọi nhập học chỉ biết là mình trúng tuyển vào ĐH Xây dựng, khi nhận tên lớp là 20N thì không biết là ngành gì, hỏi thì được biết là ngành Cấp thoát nước, thật lạ lẫm. Lúc đó theo một anh bạn 20VL đi hỏi thì nghe nói chỉ ngành xây dựng, cầu là công thức phức tạp, khoa học, đúng sự ham hiểu biết của lớp học trò vừa học qua đại số hình học và lượng giác cấp 3 với bao nhiêu thích thú, còn lại thì không quá khó, đa phần thực nghiệm. Những hoài bão khi nộp đơn thi vào trường để sau này mình được tham gia xây dựng những tòa nhà “cao cao mãi” với những “tường trắng, tường xanh, tường vàng” như lời những bài hát thời đó, thì có gì như hụt hẫng.

Tâm lý này chắc cũng không mới lạ với ngành, nên bài khái niệm ngành đầu tiên chắc là để ổn định tâm lý học sinh, thầy Ngô Văn Sức – Phó Chủ nhiệm Khoa, Tổ trưởng bộ môn đã trực tiếp giảng dạy. Ông kể với chúng tôi tâm tư của ông khi xưa, khi được thầy Nguyễn Sanh Dạn, Chủ nhiệm khoa Xây dựng, ĐH Bách Khoa, sau này trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường mãi tới thời chúng tôi nhập học, chuyển ông từ sinh viên ngành Xây dựng sang Cấp thoát nước. Đi dọc bờ sông Kim ngưu, thầy của thầy chậm rãi, rỉ rả về nhu cầu phát triển đất nước, sự cần thiết của ngành, cái hay của nó... Trò là thày, thì cứ thấy băn khoăn, tâm tư thế nào ấy... Rồi ông được đi Bắc Kinh, Thượng Hải học, cùng thợ nước Trung Quốc đi nghe rò rỉ ống dọc con đường bên sông Hoàng Phố ra sao, rồi làm nghề, rồi giảng dậy, rồi ông yêu nghề lúc nào không hay… Thày Sức bảo ngành này phải chịu khó, cần mẫn, nghiên cứu thấu đáo, nhiều vấn đề hóc búa, chứ không hề đơn giản. Chúng tôi ngồi ngẩn ra nghe với cảm giác khó tả.

Cha tôi lúc đó làm ở ngành xây dựng. Tôi viết thư hỏi thì ông bảo cái ngành này thì sau này chỉ đi làm ở thành phố thôi. Là cậu học trò lớn lên ở nông thôn, mà các bạn Hà Nội (chiếm tới ngót nửa lớp) gọi chung các bạn tỉnh khác là nhà quê, thì nói đến phố là thích thú; cảm thấy có chút an ủi.

Rồi năm tháng trôi qua, những môn cơ bản, môn cơ sở vất vả đèn sách làm chúng tôi không còn thì giờ để nghĩ ngợi hơn thiệt, không có ai có thời gian nhắc tới việc yêu hay ghét nghề Cấp thoát nước, mà niềm vui là vượt qua được các kỳ thi.

Tới khi học chuyên môn thì say sưa tính toán, vẽ; làm sao cho vẽ đẹp, viết được chữ đẹp bằng bút chì, sau là mực Tàu. Thầy Ứng Quốc Dũng để lại ấn tượng về cách viết chữ in gầy trên bản vẽ. Còn nhớ lần đầu tính công suất nhà máy nước, chúng tôi tính tới lít. Còn như lần đầu có máy tính tay chúng tôi không dám tin, cứ 1 người bấm máy thì một người nhân chia tay lại.

Rồi cái nhìn lạ lẫm của các cô công nhân trẻ có gì như thán phục khi chúng tôi đi thực tập công nhân (sinh viên cơ mà). Thời đó thanh niên sành điệu với quần loe tóc dài, chúng tôi chính là như vậy sau lần thực tập này. Thày Lập dạy chính trị đúc kết về sinh viên qua 5 năm học là: Cổ - Linh – Tinh – Quái. Lúc đó năm thứ ba có vẻ đã thành Tinh rồi đấy, chẳng bù cho hôm mới vào trường cứ gọi mấy bạn trên một khóa (khóa 19) là thày vì hỏi họ bảo chúng tôi là thày giáo. Rồi sự chia sẻ của các anh chị kỹ sư lớp trước khi chúng tôi đi thực tập tốt nghiệp, lễ bảo vệ tốt nghiệp của các anh chi sinh viên khóa trước với tuyên bố: tao thành kỹ sư rồi, có gì làm chúng tôi thích thú, có gì làm chúng tôi thán phục, và bắt đầu cảm thấy vinh dự tự tin khi là sinh viên ngành nước, bắt đầu muốn trở thành kỹ sư.

Những năm tháng sau này trải qua quân ngũ rồi đi làm, tôi may mắn làm đúng ngành cấp nước thì các vấn đề thực tiễn đã cuốn hút tôi vào công việc. Đúng như thày Sức nói, trải qua công việc bạn sẽ yêu nghề lúc nào không hay. Mãi tới năm 1996 lần đầu hội trường, hội ngành, quay lại gặp thầy, gặp bạn mừng vui khôn xiết kể. Các thày thì già hơn, có thày tóc đã điểm sương. Từ năm 1996 cứ 05 năm một lần Trường và Ngành tổ chức kỷ niệm, chúng tôi vui mừng gặp thày gặp bạn sau mỗi lần dự, nhưng vui là không còn cảm giác ai già hơn nữa vì thường gặp nhau hơn trước. Khóa chúng tôi có khoảng 50% theo nghề, còn lại làm các nghề khác. Tuy vậy những gì mà chúng tôi học được vẫn là hành trang cho mỗi người trong suốt quãng thời gian làm việc sau này.

Khi vào trường mọi người đều nói đến những khóa đầu với sự trân trọng, cách chúng tôi 17 khóa về trước (ngành nước chỉ bắt đầu từ khóa 3), vậy mà giờ đã tới khóa 61, nghĩa là các bạn trẻ đã cách chúng tôi tới hơn 40 năm. Chúng tôi vui mừng vì sự phát triển lớn mạnh của ngành, những đóng góp của các Thầy và kỹ sư Cấp thoát nước các thế hệ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước bao nhiêu, càng vui mừng vì được gặp lại bè bạn, các thầy giáo cũ, các thầy giáo trẻ, các bạn trẻ bấy nhiêu. Tình đồng nghiệp có gì làm cho ta thêm yêu công việc, thêm yêu cuộc sống dù ngành chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Nhớ lại hôm nghe thày Sức giảng xong, nhìn đám học trò với vẻ chưa mấy rạng rỡ, ông hỏi “Thế bây giờ có ai muốn xin sang ngành xây dựng không thì thầy đề nghị nhà trường chuyển cho?”. Im phăng phắc, tuyệt nhiên không. Chúng tôi sau đó biết có tới phân nửa muốn nhưng e ngại bị nhà trường đuổi học mà không dám thưa. Tất nhiên là lúc đó suy nghĩ trẻ con của chúng tôi như vậy chứ nhà trường nào đuổi vì lý do đó. Nhưng giả sử lúc đó chúng tôi không e ngại và nhà trường cũng đồng ý cho chuyển ngành như lời thày, thì chắc bây giờ chúng tôi sẽ không có vinh dự và cơ hội được đứng trong đội ngũ các chuyên gia và kỹ sư cấp nước đầy tự hào của chúng ta ngày hôm nay.

Nói theo lời một bài hát, xin cám ơn đời; vì đời đã cho ta niềm hạnh phúc được làm điều mà ta say mê. Vâng chúng tôi đã say mê công việc này suốt cả cuộc đời.

Nhân dịp 60 năm đào tạo, 50 năm xây dựng của trường Đại học Xây dựng Hà nội, là một cựu sinh viên của ngành, của trường, tôi xin được chúc cho ngành chúng ta, trường chúng ta ngày càng phát triển, xin được chúc mừng tất cả các thầy, các bạn và các đồng nghiệp nhân ngày kỷ niệm trọng đại này.

Vũ Hồng Dương

 Sinh viên khóa 20 Cấp thoát nước, Đại học Xây dựng Hà nội

Chủ tịch HĐQT – Công ty CP Cấp nước Hải phòng

Quay lại mục lục