4.1.4. Không thể nào quên
Nguyễn Mạnh Hải
Cựu SV Xây dựng khóa 7 ngành Cấp thoát nước,
Nguyên CBGD Bộ môn Cấp thoát nước
Năm mươi năm trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ đầy rẫy những khó khăn. Thắng lợi và hy sinh thật lẫm liệt, đau xót và bi tráng. Lúc đó, tôi đã hoàn thành xong các môn học của chương trình đào tạo ngành Cấp thoát Nước khóa 7, khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa Hà Nội, chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp. Thời gian này, thầy Nguyễn Sanh Dạn, chủ nhiệm khoa Xây dựng của chúng tôi, đã trình lên Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp tờ trình thành lập trường Đại học Xây dựng. Vậy là tôi sẽ là sinh viên khóa 1 ngành Cấp thoát Nước của trường Đại học Xây dựng. Trang lứa chúng tôi thời ấy thật sôi động trong khí thế hào hùng chống Mỹ cứu nước của toàn dân. Có người đã học hết chương trình đại học như tôi, được đặc cách cấp bằng tốt nghiệp; có người đã học hết lớp 10, nhưng chưa được đặt chân vào ngưỡng cửa đại học; và còn biết bao nhiêu người ở khắp mọi miền đất nước, ở mọi cương vị công tác, ngành nghề… đều đã giã từ mái ấm gia đình, khoác ba lô và cầm súng ra chiến trường. Nam tiến như trảy hội lớn.
Đến nay, bạn bè họp lại trong các hội đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp, cùng phố… kiểm xem ai mất, ai còn, hiện sống ra sao... Biết bao bồi hồi xúc động, những kỳ niệm xưa lại ào ạt xô về như vừa trải qua vậy.
Cuối năm 1966, chàng trai 23 tuổi xuân là tôi lên đường vào Nam, chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp đại học, tâm trạng cũng biết bao trăn trở, bồi hồi, háo hức. Đoàn chúng tôi gồm một nhóm sinh viên đa ngành: Xây dựng Dân dụng- Công nghiệp, Kết cấu Công trình, Cấp thoát nước (là tôi)- dưới sự chỉ đạo dẫn dắt của thầy Vũ Hải- thầy giáo trực tiếp hướng dẫn tôi. Đề tài chúng tôi phải thực hiện là “Thiết kế hệ thống cấp thoát nước cho nhà máy đồ hộp hoa quả xuất khẩu”. Bộ Ngoại thương là chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng công trình tại thôn Trà La, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
Một đêm tối trời cuối tháng 9/1966, đoàn chúng tôi rời Hà Nội, di chuyển trên hai chiếc xe con, một là UAZ (còn gọi là com-măng-ca đít tròn ) do Liên Xô chế tạo, một là chiếc Lantreauver (còn gọi là com-măng-ca đít vuông) do Rumani chế tạo. Xuôi phía Nam, chúng tôi hết sức hưng phấn, hồi hộp. Chắc là ai đó cũng có xen chút lo lắng. Đêm tối đen, xe lao đi, chỉ có ánh sáng rất hạn chế của đèn dưới gầm xe, không được dùng đèn pha. Thế mà anh tài xế tỏ ra rất thoải mái, thành thạo, lái xe rất diệu nghệ. Anh đã ra vào chiến trường nhiều chuyến. Với sự tự tin, anh vui vẻ, cởi mở với chúng tôi đủ thứ chuyện. Chắc với sự từng trải, anh hiểu phần nào tâm trạng của chúng tôi mà động viên, khích lệ. Anh khoảng ngoài 30 tuổi, điển trai, vẻ mặt hiền lành, cằm có ngấn.
Cùng hành trình về Nam như chúng tôi đêm ấy cũng có rất nhiều xe. Trong đó đa số là xe tải phủ bạt kín mít, và ngụy trang rất khéo. Có lẽ dưới lớp bạt kia là vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng… và cũng có thể là những tân binh lứa tuổi chúng tôi với ba lô và cây súng. Có lúc xe chúng tôi chạy song song với đoàn tàu hỏa trên đường sắt. Cả đoàn toa nối dài, trên bệ toa lờ mờ, chúng tôi nhận ra rất nhiều xe tăng, súng cao xạ như đang sẵn sàng nhả đạn. Đoàn tàu hỏa cũng chỉ có đèn gầm le lói dưới ba-đờ-sốc (bộ phận chắn gạt an toàn ở đầu xe, sát đường sắt). Trong đêm đen bình lặng, biết bao nhiêu nhân tài, vật lực di chuyển ra chiến trường, theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu.
Đang hành trình thì nhận được tín hiệu dừng lại. Cầu Tào- cây cầu mà khoảng một cây số rưỡi nữa, chúng tôi sẽ qua, mới bị đánh sập. Giọng trong trẻo nhưng đầy uy lực của một nữ thanh niên hướng dẫn giao thông: “Rẽ phải qua phà Hai!” Đến bến phà, cảnh tượng căng thẳng diễn ra. Một đoàn xe dài lắm, đủ các loại, im lặng chờ đợi. Những điếu thuốc lá cháy, bao khum trong lòng bàn tay, đỏ đục, lốm đốm. Một con phà, có lẽ chỉ chuyển tải được chừng trên dưới chục chiếc xe mỗi chuyến, khẩn trương cần mẫn làm việc. Chúng tôi ngoan ngoãn thứ tự xếp hàng. Không có ưu tiên, vì chúng tôi không có thẻ đặc biệt như những xe khác, có công vụ khẩn.
Khi được phép xuống phà, chúng tôi hồ hởi vui hết sức, thì chiếc xe “đít vuông” trên đó có tôi và thầy Vũ Hải cùng một số người nữa, không chịu nổ máy. Ánh đèn phin hạn chế (ánh sáng qua lần vải khá dầy) của người điều phà có tín hiệu hết sức gay gắt, khẩn cấp. Vì trời đã hừng đông, chỉ lát nữa thôi bến phà trọng điểm này, sẽ là mục tiêu cho “bầy quạ” hung hãn đánh phá. Thầy Vũ Hải cùng lãnh đạo nhóm cán bộ Bộ Ngoại thương hội ý khẩn, quyết định chiếc UAZ (nhãn hiệu Liên Xô) vào trước, xem như đi tiền trạm. Còn chiếc “đít vuông” ở lại vào sau.
Mặt trời dần nhô cao, trời xanh biếc, vài đám mây trắng bồng bềnh từ bên kia sông trôi sang. Những người công nhân đưa con phà vào nơi ẩn nấp kín đáo, đã được chọn trước. Trên đường băng xuống phà chỉ còn lại chơ vơ chiếc xe con của chúng tôi, cứ vô tư không chịu nổ máy. Xe đã được chèn cẩn thận. Dưới ánh nắng đã bắt đầu gắt gao, anh lái xe xoay trần, hí hoáy sửa chữa. Cờ-lê, mỏ lết, tuốc-nơ-vít, cả búa nữa, thi nhau qua tay anh. Hì hụi, lạch cạch, có lúc lại xì- xì… Khoảng chín giờ có tiếng động cơ máy bay, mọi người khẩn trương nấp vào các bụi cây rậm rạp, và ruộng mía bên đường. Một loạt súng vãi đạn dọc hai bên bờ sông, từ hạ lưu về phía thượng nguồn, rồi mất hút. Chúng tôi chả ai hề hấn gì. Có lẽ bọn chúng theo thói quen khô cứng, lười biếng bắn “quạ” lấy lệ (đúng theo “kế hoạch tác chiến” đã được duyệt). Cuối cùng thì gần trưa, chiếc xe cũng phải nổ được máy. Đã được khuất phục, xe lại ngoan ngoãn theo sự điều khiển của anh tài. Mãi sau này, anh mới nói với tôi: “Hóa ra lúc đó xe chỉ bị sặc xăng mà thôi, vì đỗ lâu ở đường có độ dốc lớn, bu-gi ướt không phun xăng thành hạt được.”
Chúng tôi được hướng dẫn rất chu đáo, vào một làng nhỏ ven đường để tạm nghỉ và sửa xe. Xe chúng tôi vào làng. Một rừng cây. Xe lọt thỏm vào những bụi găng, duối rất to. Có lẽ từ trên cao nhìn xuống, sẽ chẳng thấy gì. Chúng tôi bồn chồn, xen chút lo lắng, lại háo hức nữa. Vị trí này, theo đường chim bay, chỉ cách cầu Hàm Rồng chưa đầy cây số. Máy bay quần thảo liên tục, bom đạn đánh cầu lạc vào đây không đếm xuể (do trình độ có hạn của các phi công Mỹ!). Các em bé và cụ già đều được sơ tán hết. Trong làng chỉ còn lại một số người có trách nhiệm, và thanh niên khỏe ở lại làm nhiệm vụ trực chiến.
Chúng tôi được bố trí nghỉ lại ngôi nhà cổ ba gian hai chái. Một ngôi nhà điển hình của nông thôn Việt Nam. Các cột lim to được đặt trên các tảng đá có khắc hình đài sen. Mái ngói âm dương rêu phong. Hàng hiên rộng, cửa bức bàn có ngưỡng. Tấm rèm tre rủ chống nắng ngoài hiên. Sân gạch rộng khoảng gần một trăm mét vuông, có gờ xung quanh. Một bể nước có mái vòm được đường máng dẫn nước làm từ thân cây cau già chẻ đôi rót nước từ mái nhà vào. Tường hoa cao chừng bảy mươi phân ngăn giữa sân và vườn cây trái xum xuê. Kế đó là ao cá khá lớn, có bậc đá dẫn xuống mặt nước. Đặc biệt là cây me, khoảng hơn người ôm, cành cao rậm rạp, tỏa bóng một góc sân vườn, quả sai lúc lỉu. Ánh nắng gay gắt qua vòm cây tán lá, rơi xuống thành thứ ánh sáng dịu dàng, xanh mát. Khung cảnh thật là thanh bình. Yên ả quá.
Tôi đang thả hồn vào hư vô, thì từ nhà bếp góc sân, kề ngay bể nước mái vòm, một em gái khoảng 15-16 tuổi xuất hiện. Thân hình mảnh mai ôm gọn trong chiếc áo nâu non, chiếc quần lụa đen, chắc là mới may, chấm gót. Vắt vẻo hai đuôi sam khá nặng buộc nơ vải hoa đào. Khuôn mặt thanh tú, má ửng hồng lại được lại được dọi chùm tia sáng xanh qua vòm cây, thật là huyền ảo nôn nao khó tả. Đôi mắt em to, tròn sáng lạ lùng. Em tên Mai, cái tên đẹp, và chứa chan hy vọng. Thẹn thùng chào chúng tôi, em nói được giao nhiệm vụ chăm sóc đoàn. Ánh mắt em dịu dàng lướt nhanh qua chúng tôi, tôi cũng kịp lưu giữ lại vài giây. Trao cho chúng tôi tích nước chè xanh, vài cái bát nhỏ, em bảo: “ Lát nữa sẽ mời cơm các cô chú”.
Đêm đã đến, chúng tôi hối hả lên đường. Chiếc xe Rumani có hai hàng ghế dọc hai bên hông xe. Tôi ngồi sau cùng hàng ghế bên phải, kiêm luôn nhiệm vụ đóng tấm chắn hậu của xe. Chuẩn bị lăn bánh, Mai tất tả chạy đến chào mọi người. Em dúi cho tôi một bọc âm ấm. Tôi biết ngay là bọc xôi nếp mới gói trong lá sen. Vội vàng nhét kỹ dưới đáy ba lô. Xe xuống phà, mọi người cùng như đều hỏi: “Mùi nếp mới ở đâu mà thơm quá vậy?” Thanh (nữ sinh viên ngành Xây dựng) ngồi kề tôi cao giọng: “Mọi người cứ hỏi Mạnh Hải thì biết!” Giấu thế nào được kia chứ! Lúc này có lẽ nếu đèn sáng, thì chắc tất cả phải thấy mặt tôi thộn ra, và hai tai đỏ lựng. Qua phà bình yên. Ngay đường lên phà, xe tiền trạm đã đợi đón chúng tôi. Mới từ mờ sáng đến chập tối, mà tưởng như lâu lắm mới gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Phía Bộ Ngoại thương thông báo: “Mọi việc ổn thỏa, chỗ ăn nghỉ làm việc đã được sắp xếp chu đáo.” Cả đoàn gặp nhau vui phấn khởi. Ai về nhà nấy theo bố trí của tiền trạm. Chúng tôi rất thoải mái. Các mẹ các chị rất chu đáo. Vùng này cũng phải sơ tán hết, vì cũng là trọng điểm gần cầu Hàm Rồng.
Đêm ấy chúng tôi được ngủ một giấc ngon lành. Khoảng gần hai giờ sáng, rất nhiều tiếng bom nổ, có vẻ như rất gần. Được hướng dẫn trước, chúng tôi xuống các hầm trú ẩn ngay ngoài vườn nhà. Hầm được đào cẩn thận, khô ráo, có nắp đậy bện bằng rơm. Có người mệt, hoặc “lười” quá, vẫn ngủ vùi.
Sớm hôm sau bắt đầu vào việc, mọi người rất khẩn trương. Ai việc nấy chuẩn bị đi hiện trường công trình, thì hay tin dữ. Cái làng nhỏ hôm qua chúng tôi nghỉ, đã bị bom đánh tan tác sớm nay, gần như bị hủy diệt. Ôi! Chúng tôi ai cũng lặng đi, phút mặc niệm tự hình thành. Có bạn gái trong đoàn khóc nức nở. Còn tôi, sao mà người cứ như muốn bốc cháy. Em! Gói xôi nếp mới trong lá sen thơm nức, nóng bỏng.
Mảnh đất dự kiến làm trạm xử lý nước cấp cho nhà máy là một vùng đất đồi mấp mô, đầy những cây dại lúp xúp, và đá mồ côi, dốc thoải ra phía bờ sông. Phần công nghệ xử lý nước do tôi thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy Vũ Hải. Trước tiên là khảo sát địa hình để lập bình đồ khu đất. Địa phương không có tài liệu gì tham khảo cả. Máy trắc địa và các loại thước chuyên dùng cũng không có. Thật là bỡ ngỡ và lúng túng. Ở trường, học giáo trình trắc địa, khi đi thực tập đo đạc khu vực phố Giỏ (thuộc Bắc Giang), chúng tôi có đủ các loại máy đo hiện đại, thước chuyên dùng và các loại dụng cụ khác. Tất cả đều là đồ viện trợ “nghiêm” của Liên Xô. Thầy bảo: “Đừng lo, chúng ta sẽ làm được.” Thế là với cây thước học trò dài ba mươi phân, cuộn dây gai dài… vô tận, một ống nước cất dùng chế tạo “ni-vô”(một dụng cụ để lấy chuẩn phương ngang). Thế là cứ cần cù tác nghiệp. Tôi thầm khâm phục tài biến hóa, sáng tạo của thầy. Ngày làm việc đầu tiên tại hiện trường qua nhanh.
Bữa cơm chiều tối đạm bạc. Manh chiếu trải giữa sân, trăng rọi qua kẽ lá. Không được dùng đèn. Chỉ trong bếp, hoặc trong nhà mới dùng chiếc đèn có chụp đặc biệt để che chắn tối đa ánh sáng.
Anh lái xe của chúng tôi cho biết, Mai đã hy sinh rạng sáng nay, khi đang mang cháo gà cho các anh bộ đội cao xạ ba mươi bảy ly, ở trận địa trên cao điểm cách đầu làng khoảng hai trăm mét. Anh có người chú họ làm nông ở kề đó báo tin. Mọi người cùng buông bát lặng đi. Tôi cảm thấy mình bị hẫng, cơ thể bỗng như ở trạng thái không trọng lượng.
Mấy ngày sau, các nhóm làm việc gần như lặng lẽ, hối hả, chẳng mấy ai cười. Suốt mấy ngày căng dây có thắt các nút đánh dấu số mét dài, với hai cái sào trúc cắm vuông góc xuống mặt đất. Di chuyển sào đến các vị trí lưới tọa độ đã định. Đặt ni-vô tự chế, lấy thăng bằng, và đọc độ chênh của hai điểm theo các khấc giữa hai cọc, để đánh dấu cao độ từng điểm trên bản đồ. Có khi phải nhảy vào cả các bụi cây xấu hổ, bụi gai để cắm cọc căng dây, cỏ may bám khắp quần áo. Cứ thế cần mẫn mà làm. Nhưng thật sung sướng khi hết giờ làm việc, lại được ngụp lặn vui đùa với sông Mã. Làn nước mát lạnh trong lành ôm chặt lấy tôi, thủ thỉ với tôi biết bao điều. Tôi chợt mơ màng, nếu đây là cái làng nhỏ, mà em còn đang... Bừng tỉnh, tôi về nhà mà lòng buồn vô hạn.
Một việc không kém phần khó khăn với tôi là khảo sát mực nước sông Mã, nghĩa là đo độ sâu các điểm theo mặt cắt ngang của nó tại vị trí chọn đặt công trình thu nước. Sông Mã trong tôi đã trở thành huyền thoại, qua những bài ca, bài thơ nổi tiếng, những tác phẩm như mê hoặc nhiều thế hệ. Tuổi thơ tôi không ở sông Mã, thế mà hồn tôi đã thấm đẫm tình sông. Sông Mã dũng mãnh, hào hùng, đầy những chiến công hiển hách.
Tôi phải biết mực nước sông chênh lệch nhau về mùa khô và mùa lũ là bao nhiêu để chọn kiểu công trình thu nước, cũng như trạm bơm nước, số tầng cửa lấy nước (một hay hai tầng). Tôi tìm đến các cụ già trong làng. Cụ bà tên là Na, năm ấy đã 87 tuổi, vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, nước da đồi mồi nâu rám, gò má hơi cao, với đôi mắt tinh tường, sáng. Cụ vẫn bỏm bẻm nhai trầu, và giúp con cháu trở thóc phơi sân nhà. Cụ Na cho biết, mùa lũ nước sông cao đến ghềnh đá màu xám đen nhô ra, mùa khô, nước tụt xuống mãi vỉa sỏi cuội kết nằm dưới thấp. Để đảm bảo độ tin cậy, tôi còn hỏi mấy cụ nữa. Thế là biết chiều cao hữu dụng của các tầng cửa thu nước phải đặt ra sao. Còn đo mặt cắt ngang của sông, nghĩa là độ sâu của sông theo chiều ngang. Chiều trước hôm đo độ sâu của sông, tôi ra ngồi bên bờ sông vẫn vơ ngắm tàu thuyền qua lại.
Bấy giờ đã bắt đầu mùa khô, sông Mã chẳng còn hung dữ như bầy ngựa phi nước đại nữa, mà hiền hòa êm đềm quá. Nước sông trong có thể nhìn thấy cả các vạt sỏi nhiều màu long lanh dưới đáy dải nước ven bờ. Nhưng làm sao mà đo được độ sâu kia chứ, tôi thấy bối rối. Tuổi thơ tôi trải qua bên bờ vịnh Hạ Long, cũng có đi tắm biển nhiều, nhưng do lười luyện tập, nên khả năng bơi lặn của tôi chỉ ở hạng bét.
Hôm sau, tôi theo chỉ bảo của thầy, mượn cây mia của Đoạn giao thông thủy. Ở mỗi điểm đo, tôi lặn xuống, giữ chặt chân mia, có thể lần cắm vào khe đá cuội. Thầy dựng mia vuông góc và đọc số. Có lúc giữ mia không chắc, cố tìm chỗ cắm chưa được, hụt hơi, sợ chết ngạt, vội nổi lên mặt nước. Chiếc mia trôi xuôi, hai thầy trò vất vả lắm mới đuổi bắt được nó. Thầy còn bơi giỏi hơn tôi.
Tuy nhóm nào cũng trải qua đầy rẫy những khó khăn vất vả, song được nhân dân đùm bọc giúp đỡ, các thầy dày dạn kinh nghiệm chỉ bảo, chúng tôi ai cũng hào hứng, không ngờ mình lại làm được nhiều việc mà khi ở trường không thể tưởng tượng ra được. Làm việc mệt, tắm mát, đói ngấu, ai cũng ăn uống thật ngon lành. Những bữa cơm đạm bạc mà giàu dinh dưỡng, rau mắm cua tôm cá của làng quê. Nhớ nhất là món mắm cá, thật cay chua, thơm phức.
Những ngày ấy, chúng tôi như thể trở thành những thanh niên khác, năng động hơn, sáng tạo hơn, da dẻ đen cháy. Có bạn nữ còn bong cả lớp da mịn màng của tiểu thư Hà Nội. Song ai cũng phấn khởi, cũng đáng yêu. Trong các bữa ăn chiều tối, ngồi chơi uống nước, chúng tôi kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện lạ mà mình mới thu thập được. Những cảnh trí và sinh hoạt của vùng nông thôn- nơi chúng tôi đang được sống, làm việc, chuẩn bị hành trang bước vào đời- đang dần trở thành quen thuộc và đáng mến.
Ngày cũng như đêm, những loạt bom đạn vẫn trút xuống khu vực cầu Hàm Rồng. Những âm thanh gầm rú man rợ của đủ loại máy bay, những tiếng nổ, chùm tiếng nổ, với âm lượng khủng khiếp, vượt ra ngoài các thang đo âm lượng thông thường. Bầu trời như bị xé nát. Mặt đất bị cày xới, các hố bom ngoác miệng tử thần. Mặc. Cầu Hàm Rồng vẫn hiên ngang, vững chãi, vẫn ngày đêm an toàn đỡ những đoàn tàu, đoàn xe đủ loại ra chiến trường. Những ngày này, chúng tôi lại ít nói về bom đạn. Có lẽ đã hơi quen rồi, thấy cũng thường thôi! Có những đêm trăng đẹp, chúng tôi rủ nhau lên đồi chơi, ngồi tâm tình, hát những bài hát thật thanh bình, êm đềm: “Chiều thanh vắng là đây…”, “Hòa với tiếng tàu đêm, chập chờn đi về phía chân trời...”, “Giờ này anh về đâu, hỡi người bạn cũ cùng binh đoàn… có nhiều cô đẹp như khúc ca ban chiều…” Cũng có những đôi bạn ngồi tách xa.
Trở lại Hà Nội, chúng tôi củng cố, hiệu chỉnh, hệ thống lại mọi số liệu, tài liệu đã thu thập tại thôn Trà La, bắt tay vào tính toán thể hiện đồ án. Các trang viết, các bản vẽ, lần lượt, dần làm rõ hình hài của khu xử lý nước cho nhà máy trên mảnh đất đầy nắng gió và kỷ niệm bên bờ sông Mã anh hùng. Nhiều đêm thức trắng vì công việc, dưới những nét vẽ, đôi khi tôi bỗng thấy hiện lên nét mặt thanh tú, đôi mắt to tròn, sâu thẳm nước Sông Mã. Chùm ánh sáng xanh mát, huyền ảo như làm cho khuôn mặt ấy càng trở nên đậm nét, và rạng rỡ. Bên tai tôi như vang lên những âm thanh da diết và đầy sức lôi cuốn: “Chờ gió lên... đưa thuyền về, đôi bờ sông Mã, lá hoa khoe màu…” Mai tươi trẻ và anh hùng. Tôi nhắm mắt, biết bao ký ức lại ào ạt xô về, như những lớp sóng bạc đầu ào ạt của Sông Mã vào mùa lũ.
Tôi trở thành giảng viên đại học. Có lúc trên bục giảng nhìn bao quát các em học sinh đang lắng nghe mình, tôi ngỡ như có khuôn mặt thanh tú, hai bím tóc có nơ buộc dây vải hồng. Xương và máu thịt của em đã tan hòa vào đất mẹ, đã góp phần nhỏ bé cho chiến thắng hôm nay. Tôi lặng đi giây lát. Có lẽ lúc đó, chỉ có em lớp trưởng thông minh và lanh lợi phát hiện ra giây lát ấy?
50 năm đã qua đi, thế mà NHỮNG NGÀY ẤY lại hiện về rõ nét đến lạ lùng như vậy. Tôi ngồi vào bàn viết và viết...
Các em học sinh ngành Môi trường Nước thân yêu! Năm nay có những em vừa mới bước vào ngưỡng cửa trường, còn đang bỡ ngỡ,có những em vừa bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp ra trường- những kỹ sư trẻ sẽ tỏa về khắp miền đất nước. Ngành học của chúng ta là ngành học THỜI THƯỢNG của thế giới đấy các em ạ. Chúng ta cũng là những nhà kiến tạo, sửa chữa môi trường của hành tinh này. Bàn tay, khối óc của chúng ta sẽ góp phần cho Trái Đất- ngôi nhà chung của loài người đẹp hơn, xanh hơn, sạch hơn, mọi người sẽ có cuộc sống tốt hơn, bền vững hơn.
Nhân dịp ngày lễ lớn của chúng ta, với tất cả những gì trân trọng yêu thương nhất, chất chứa trong tôi nửa thế kỷ qua, tôi xin kính chúc các thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh ngành Môi trường Nước thân yêu của chúng ta có nhiều sức khỏe, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao trong sự nghiệp gìn giữ và kiến tạo môi trường sống.
Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội tháng 10 năm 2016