4.1.2. 55 năm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của Bộ môn Cấp thoát nước - Môi trường nước và tôi viết giáo trình góp phần phục vụ giảng dạy, đào tạo

GS. TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ 

 

Tháng 9 năm 2011, tôi đã viết bài: ”Nhớ lại những ngày đầu thành lập bộ môn cấp Thoát nước”. Từ đó đến nay đã qua 5 năm. Nếu kế từ lúc “nghỉ hưu” thì cũng là 11 năm tròn rồi ! Thời gian trôi đi sao mà nhanh vậy. Đối với tôi, sợi chỉ đỏ hướng tôi đi theo nghiệp “Cấp Thoát nước” và sau này do sự biến chuyển của thời cuộc “phát triển khoa học và công nghệ”, theo thời gian thì thêm vế “công nghệ, kỹ thuật môi trường nước”. Nghiệp là vậy, còn nghề thì lại là “anh giáo đại học”. Có thể nói cuộc đới riêng tư của tôi cũng gắn nhiều với những kỷ niệm của bộ môn, đặc biệt là ngày kỷ niệm thành lập bộ môn 04-01 hàng năm.

 Nói là nghỉ hưu nhưng xem ra chi phí sức lực và thời gian cũng chẳng ít hơn khi còn “đương chức”. chưa xong cày cho dự án này, lại được gọi tiếp phản biện, chủ tịch cho hội đồng nọ. Nhà thì bằng cái “mắt muỗi”, tài liệu cứ chất hết bó này đến bó khác lên cái gọi là giá sách bằng sắt mà bà vợ thương tình đóng cho. Mỗi lần tìm tài liệu là cứ gọi là toát mồ hôi mãi mới tìm được. Ấy thế mà cũng là nhà chơi sang có thang máy nữa chứ ! Đó cũng chính là cái diễm phúc và số phận may mắn của mình, sinh ra vào giờ mà mẹ tôi kể lại lúc sáng sớm, chú trâu ở nhà được ăn no trước khi ra đồng cầy ruộng ! Thời đó, nhà nuôi trâu. Cứ bắt đầu vào mùa cầy ruộng, ngoài thức ăn là rơm, cỏ, trâu thường được bồi đưỡng thêm cám có pha món “xạ” gì đó-món mà trâu ta rất thích !

Mới tuần trước, dù bận mấy, theo thuyết phục của các con, vợ chồng tôi cũng cố dứt ra đi tua du lịch Nga (Moscơva và Saint Peterburg) một chuyến. Đúng là nhiều cảm xúc sau gần 45 năm xa cách !!! Chỉ còn toát lên một câu thán từ “Ôi Liên Xô cũ còn đâu ! Huynh đệ tương tàn” ?!

Thế sự, dù thế nào mặc lòng, ta vẫn là ta. Nhìn lại 55 năm qua, với bộ môn Cấp Thoát nước-Môi trường nước, tôi thấy, đó là quá trình xây dựng và phát triển không ngừng với bao công sức, nỗ lực đóng góp của mỗi cá thể và cả tập thể bộ môn. Bộ môn có những thăng trầm, gian khổ chung với số phận của trường Đại học Xây dựng, từ lò Đại học Bách khoa- Hà Nội, khi sơ tán ở Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay), rồi Hương Canh và về Hà Nội (Bách Khoa-Phúc Xá-Đồng Tâm,Cổ Nhuế). Nay lại được thêm cả Phủ Lý !!! Bộ môn cũng có những niềm vui, nỗi buồn riêng của mình, có người đã ra đi mãi mãi, có người đã chuyển công tác, người còn, người mất,v.v. theo quy luật cuộc đời.

Ở bài này tôi muốn đi vào chủ đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực và các hướng đi chuyên môn của bộ môn trong 55 năm qua.

1.Về Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của bộ môn

Qua 55 năm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của bộ môn, như cách phân chia chung của trường ĐHXD, phân ra các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1966-1983 : là thời kỳ thành lập và giảng dạy, học tập trong tình trạng sơ tán, chiến tranh ác liệt. Mọi người đều biết, trường ĐHXD phải sơ tán khỏ Hà Nội ở nhiều địa điểm khác nhau: (1966-1971) trường ĐHXD sơ tán tại Bắc Ninh, các khoa nằm rải rác ở hai bờ sông Đuống: Tiểu Than, Gốm, Xuân Dương, Huề Đông, Nhân Thắng, huyện Gia Lương; Đô Đàn, Quế Ổ ,…(huyện Quế Võ). Sau đó (1971-1983) chuyển lên Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phú.

Ở bài trước đã nêu, tại thời điểm thành lập bộ môn, ngày 04-01-1967 có  7 người là các anh: Ngô Văn Sức, Vũ Hải, Trần Hữu Uyển, Trần Đình Cương, Trần Vân Hải, Trần Hiếu Nhuệ, Lâm Minh Triết . Ngoài ra có chị Nguyễn Thị Thược là thư ký bộ môn (sinh hoạt và hành chính chung bộ môn Quy hoạch đô thị-Cấp Thoát nước). Ít lâu sau mấy tuần, bộ môn được bổ sung anh Nguyễn Mạnh Hải, sau đó anh Trần Cát từ Vôrônhesh (VIXI) và anh Đoàn Trinh từ ĐHXD (KIXI), chị Trần Thị Thanh Thanh từ khoa Thực phẩm.

Anh Trần Vân Hải được bổ nhiệm là trưởng phòng Tổ chức của trường và tách khỏi bộ môn từ 1967.

Tháng 9 năm 1968 anh Ngộ Văn Sức sang MIXI, tiếp theo tháng 9-1969, anh Trần Hữu Uyển và Trần Hiếu Nhuệ cũng sang  MIXI. Thời kỳ này, anh Sức làm tổ trưởng bộ môn.  Khi anh Sức đi thì anh Trần Cát là tổ trưởng bộ môn, kiêm phó chủ nhiệm Khoa Xây dựng.

Tháng 11- 1972 Trần Hiếu Nhuệ rồi anh Ngô Văn Sức từ MIXI trở về. Anh Ưng Quốc Dũng, Nguyễn Văn Tín từ khóa 12 CTN, chị Lê Thị Dung từ 12KT “lên” bộ môn. Sau đó, tháng 6 -1973, anh Đỗ Hải từ LIXI về, tiếp theo là chi Lê Thị Hiền Thảo tốt nghiệp Đại học Tổng hợp về bộ môn. Cuối 1973 anh Trân Hữu Uyển từ MIXI về.

Có thể nói, thời kỳ nay là thời kỳ số lượng cán bộ của bộ môn có sự dao động về nhân lực, nhưng cũng là thời kỳ xây dựng, củng cố và phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ chiến tranh ác liệt của đất nước. Bộ môn có những tổn thất lớn trong bối cảnh tổn thất chung của trường ĐHXD trong trận Mỹ đánh bom Hương Canh hồi 9 giờ sáng ngày 10-9-1972.

Năm 1976, anh Lâm Minh Triết được cử đi NCS ở MIXI, hai anh Vũ Hải và Trần Đình Cương chuyển vào TP Hồ Chí Minh, hai anh Trần Cát, Lê Hoàng vào Đà Nẵng công tác.

 Năm 1976 anh Trần Đức Hạ (LIXI), chị Nguyễn Ánh Hồng, anh Nguyễn Đình Sơn (ĐHXD Khacốp), chị Nguyễn thị Kim Thái và anh Đàm Xuân Lũy (khóa 16 ngành CTN), anh Nguyễn Công Thành (LIXI), anh Nguyễn Tiến Minh (khóa 17 ngành CTN,1977), anh Mai Phạm Dinh (khóa 18 ngành CTN, 1978) về bộ môn.  Đây là khoảng thời gian đang vui, khi nhân lực bộ môn được bổ sung nhiều để phát triển. Lúc thì liên hoan mừng người mới về, rồi cả “cho chó ăn chè”,rồi trào lưu “cá xanh, cá vàng” sau giải phóng lại rộ lên!

Thế rồi, “đùng một cái” thì lại buồn đột ngột lại đến: anh Ngô Văn Sức đột ngột ra đi sau dịp lễ Quốc khánh 2-9-1982. anh Nguyễn Mạnh Hải xin về Quảng Ninh, anh Đàm Xuân Lũy xin về Hải Phòng, anh Nguyễn Đình Sơn, anh Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Công Thành xin chuyển cơ quan.

- Giai đoạn 1983-2011: là giai đoạn hòa bình, 7-8 năm sau Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là thời kỳ ổn định và phát triển. Đây là thời kỳ khó khăn về kinh tế của đất nước. Đời sống thật khó khăn, giai đoạn “giá-lương-tiền”.

Năm 1984, anh Nguyễn Đức Thắng, khóa 25 CTN về bộ môn và kiêm nhiệm ở phòng Tổ chức cán bộ của trường cho đến nay. Trong khoảng thời gian 1987-1990 các anh Trần Hữu Uyển, Trần Đức Hạ, Ứng Quốc Dũng được đi học tiếp ở Liên Xô cũ.

Đây là thời kỳ mà quốc tế có biến động lớn, tác động không nhỏ tới Việt Nam. Về nhân lực, bộ môn được bổ sung anh Nguyễn Việt Anh, anh Lều Thọ Bách từ “Liên Xô cũ” trở về với những tư duy mới của thời kỳ sau hệ thống XHCN sụp đổ . Từ đó đến nay, có thể nói thế hệ kế tiếp của bộ môn đã chuẩn bị được chuyển giao. Thời kỳ 1991-2000 là thời kỳ “hậu xô viết”, thời kỳ 2001-2010 tạm gọi là thời kỳ “bản lề”. Cũng trong giai đoạn này Thày giáo Đỗ Hải đã ra đi (năm 2005) và cô giáo Nguyễn Thị Ánh Hồng cũng ra đi (năm 2015).

Thời kỳ năm 2001-2010 bộ môn đã được bổ sung thế hệ mới thay thế cho thế hệ cũ như Trần Thị Việt Nga, Phạm Tuấn Hùng, Trần Thị Hiền Hoa, Nguyến Thị Hồng Anh,Đào Anh Dũng, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Việt Anh 2, Trần Hòai Sơn, Đinh Viết Cường,…

Bộ môn Cấp Thoát nước-Môi trường nước được tiếp nhận những nhân tố mới sau thời kỳ đổi mới và “được cởi trói” để làm ăn, phát triển kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ.

Từ bộ môn Cấp Thoát nước-Môi trường nước đã phát triển thêm bộ môn Công nghệ và Quản lý Môi trường.

- Giai đoạn 2011-đến nay 2016: Nếu không sai có thể nói rằng thời kỳ 2011 - đến nay 2016, “bộ môn đã được giao ca” với tư duy mới, cách làm mới, hoàn toàn thoát khỏi chế độ bao cấp về kinh tế “xin-cho”. Đại diện cho thế hệ này là PGS TS Nguyễn Việt Anh, PGS TS Lều Thọ Bách, PGS TS Trần Thị Việt Nga cùng với các TS Phạm Tuấn Hùng, TS Trần Thị Hiền Hoa,…  sẽ tiếp tục dương cao ngọn cờ Cấp thoát nước-Môi trường nước với bất cứ hình thức hay tên gọi gì mới

- Bộ môn Cấp thoát nước có 28 cán bộ giảng dạy, trong đó có 1 Nhà giáo nhân dân;  2 Nhà giáo ưu tú, 2 GS, 5 PGS, 1 TSKH, 10 TS, 14 ThS, được đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Nhiều CBGD đang thực hiện nhiều dự án, đề tài NCKH lớn của Nhà nước, các dự án hợp tác quốc tế. Đã triển khai ứng dụng hàng trăm công trình HTKT - BVMT vào thực tế: CTN, xử lý nước cấp và nước thải, quy hoạch MT, lập báo cáo đánh giá tác động MT… Với bề dày xây dựng và phát triển từ 1967, đây là một trong những Bộ môn mạnh nhất của Trường ĐHXD về NCKH, hợp tác quốc tế và xây dựng

- Trải qua 50 thành lập trường ĐHXD và 60 năm đào tạo, tới nay số kỹ sư Cấp Thoát nước- Môi trường nước, trường ĐHXD được đào tạo khoảng 4000 người, bao gồm  kỹ sư, ThS, TS chuyên ngành CTN-MTN và hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có 16 TS, khoảng 500 ThS. Nhiều cán bộ được đào tạo từ ngành CTN-CNMT của ĐHXD đã và đang giữ những trọng trách ở Trung ương và nhiều địa phương.

2. Xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm

Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ đào tào và KCKH là một yếu tố không thể thiếu đối với một bộ môn của trường Đại học.

- Thời kỳ sơ tán ở Hà Bắc, anh em sinh viên đều phải về cơ sở ĐHBK ở Hà Nội để thí nghiệm. Khi trường ở Hương Canh, bộ môn cũng xây dựng được phòng thí nghiệm do anh Lâm Minh Triết phụ trách. Khi anh Triết đi thì chị Lê Thị Hiền Thảo, rồi sau này là anh Mai Phạm Dinh,…quản lý. Thời kỳ sau 1982, trường được chuyển dần từ Hương Canh về Hà Nội, phòng thí nghiệm của bộ môn cũng ba chìm bẩy nổi (với 3 địa điểm của trường: Phúc xá-Đồng Tâm-Cổ Nhuế). Chỉ tới khi tòa nhà Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và khu công nghiệp được xây dựng xong khoảng năm 1990 thì phòng thí nghiệm hóa nước- vi sinh vật nước mới tạm ổn định. Trang thiết bị của phòng thí nghiệp còi cọc, chắp vá. So với các công ty Cấp nước và thoát nước bền ngoài, phòng thí nghiệm của bộ môn kém xa.

- Từ năm 1998-2006 có dự án do Thụy Sĩ tài trợ nên phòng thí nghiệm bộ môn mới được trang bị đáng kể.

- Giai đoạn tiếp theo từ 2008 đến nay, Bộ môn và Viện Khoa học và kỹ thuật môi trường đã, dang phát triển các mối quan hệ đa phương hoặc song phương với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty,… nước ngoài về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực môi trường.

-Đặc biệt: Các chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp lớn, nổi tiếng trên thế giới: ĐHTH California – Berkeley (Mỹ), Viện CNMT EAWAG (Thụy Sĩ), ĐHKTTH Darmstadt (Đức), ĐHTH Tongji (Trung Quốc), ĐHTH Kitakyushu, Tokyo và Kyoto (Nhật Bản), ĐHQG Seoul (Hàn Quốc), các Tập đoàn Lixil, Kubota, Nagaoka, JFE (Nhật Bản), Veolia (Pháp), … Một số chương trình đang triển khai: Thực tập 1 tháng tại Nhật Bản (Tập đoàn JFE); Khóa học mùa hè 2 tuần (ĐHTH Darmstadt, Đức); SV tình nguyện cung cấp nước sạch cho người nghèo (ĐHQG Seoul, Hàn Quốc).

3.Tôi viết giáo trình, tài liệu tham khảo góp phần phục vụ giảng dạy, đào tạo

Viết giáo trình là một công việc tương đối khó. Tại thời điểm kinh tế thị trường như ngày nay thì càng khó vì phải chi phí nhiều thời gian và công sức để có một giáo trình có chất lượng , ít mắc sai sót, nhưng lợi ích kinh tế thì rất thấp. Tuy nhiên là cán bộ giảng day hay nghiên cứu khoa học và công nghệ (NCKH&CN) thì không thể không viết giáo trình, tài liệu tham khảo. Đó là việc có ý nghĩa phục vụ giảng dạy, đào tạo, vừa là trách nhiệm, vừa để khẳng định mình, vừa tập hợp lực lượng tập thể, phát huy thành tựu chung của toàn thể bộ môn.

- Riêng với tôi, sau khi về bộ môn, tôi được phân công dịch tài liệu “Thoát nước công nghiệp” của Jukov A.A. Quy trình là sau khi dịch xong (ở Tiểu Than), chuyển giao bản viết tay cho phòng Giáo vụ (nay là phòng Đào tạo) đóng ở Đô Đàn cùng Hiệu Bộ bên kia sông Đuống. Phòng giáo vụ có nhiều chị em là Thanh niên xung phong xuất ngũ về làm nhân viên đánh máy. Khi tôi đi nghiên cứu sinh về năm 1972-73 vẫn còn nằm ở phòng Giáo vụ ở Hương Canh và tôi nhận lại được. Đến bây giờ tôi vẫn cò giữ một phần lớn di bản 421 trang, mất  2 trang đầu.

 - Năm 1973 anh Lâm Minh Triết và tôi bắt đầu viết giảo trình “xử lý nước thải” theo đề xuất từ bản thân chúng tôi và được bộ môn đưa vào nhiệm vụ được phân công. Sau đó bộ môn là anh Ngô Văn Sức, tổ trưởng bô môn đọc duyệt bản thảo và thông qua. Chúng tôi trực tiếp theo dõi, làm thủ tục in kẽm. Sản phẩm ra đời năm 1978 và được anh em sinh viện trong ngoài trường sử dụng triệt để trong khoảng 20-25 năm.

- Chuyên khảo “Xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học” năm 1990. Đây là kỷ niệm của thời kỳ tin học, máy tính được phổ biến và gọi là xóa mù chữ về máy tính, cùng với sự lớn lên của kiến thức ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Anh của tôi. Cuốn sách chuyên khảo ra đời được là nhờ các anh Nguyễn Văn Nghiễm và Hoàng Nghĩa Tý, bộ môn Máy tính, khoa Cầu Đường.

- Tiếp theo mạch tài liệu “thoát nước và xử lý công nghiệp” tôi biên tập từ năm 1979 đến 1992 và in tại NXB Khoa học và Kỹ thuật thành 2 tập I và 2. Đến nay, trong tay tôi, chỉ còn duy nhất tập 2 là nhờ GS TSKH Dương Đức Tiến mượn và trả lại. Cung may mắn là tập tài liệu này được NXB KH&KT tái bản lại vào năm 1998, sau khi tôi được phong GS năm 1996. Có lẽ quyển sách này được nhiều độc giả phía Nam hưởng ứng, cho nên những năm sau này, mỗi lần khi đi công tác ở các tỉnh phía nam, nhiều em trong ngành gặp lại tôi và nói rằng đã đọc tài liệu và nay mới có dịp tiếp xúc trực tiếp với tác giả ! Âu đây cũng là niềm vui nho nhỏ !!!

- Giáo trình “Các quá trình vi sinh vật trong các công trình Cấp Thoát nước” ra đời vào năm 1998 do NXB KH&KT in và tôi là chủ biên. Đây là sản phẩm và là kết quả tập hợp các tác giả biên soạn (Trần Hiếu Nhuê, Trần Đức hạ, Lê Thị Hiền Thảo), với ý muốn kỷ niệm và phát huy vai trò của tập thể và từng cá nhân trong đó.

- Giáo trình “Cấp Thoát nước”  cũng là sản phẩm của tập thể do tôi chủ biên ra đời từ 1996 và tôi nhớ là được GS TS Nguyễn Đình Cống khi đó là chủ nhiệm khoa Xây dựng cấp giấy khen về giáo trình phục vụ cho sinh viên. Đây là giáo trình rất”ăn khách” trong các trường đại học trong toàn quốc, cho nên được tái bản nhiều lần 1998, 2001, 2004, 2006, 2008, 2010. 2012, 2016, cho đến nay vần chưa nhận được tiền của NXB KH&KT. Các tác giả: Trần Hiếu Nhuệ Ứng Quốc Dũng, Trần Đức Hạ, Đỗ Hải, Nguyễn Văn Tín. Có thể nói Đây là giáo trình đã được 20 năm tuổi kể từ khi xuất bản lần đầu !

- Giáo trình Xử lý nước thải tập 1 và 2” là kỷ niệm cuối cùng của tình bạn của chúng tôi Lâm Minh Triết và Trần Hiếu Nhuệ với sự cộng tác đầu tiên với NXB Xây dựng. Nó đã được nung nấu từ năm 1999-2000 là tái bản lại từ khi có dự án “Tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực môi trường cho các trường ở phía Bác và phía Nam” do Thụy Sỹ tài trợ. Do vậy đã mở rộng số tác giả tham gia và gồm: PGS TS Nguyễn Phước Dân, PGS TS Tôn Thất Lăng,TS Nguyễn Thị Thanh Mỹ, ThS Huỳnh Thị Ngọc Hân, ThS Nguyễn Huy Cương, ThS Hoàng Thị Tố Nữ, ThS Nguyễn Ngọc Thiệp, PGS.TS Bùi Xuân Thành, Ts Nguyễn Xuân Trường, ThS Nguyễn Thành Tín, KS Nguyễn Minh Tuấn

Không ngờ rằng bạn tôi, cùng lò MIXI và cùng ở bộ môn Cấp Thoát nước, ĐHXD vào thời kỳ đầu lại ra đi với những cố gắng cuối cùng. Anh là người anh cả của phía Nam thuộc lĩnh vực kỹ thuật môi trường sau khi đất nước thống nhất !

- Ngoài ra còn một số giáo trình, tài liệu tham khảo là sản phẩm của các dự án mà tôi tham gia như dự án tang cường năng lực trong lĩnh vực môi trường do Thụy Sĩ tài trượ, dự án kinh tế chất thải (vơí Canada), Dự án hợp tác đào tạo JSPS với các trường đại học Osaka, Kymamoto (Nhật Bản) xử lý nước thải chi phí thấp (do Bỉ tài trợ),…mà các đồng nghiệp thế hệ sau như PGS TS Nguyễn Việt Anh, PGS TS Lều Thọ Bách chủ trì và tôi được mời tham gia.

4. Kết luận

- Như ở mục 1, 2 đã nói ở trên, thế hệ mới với đầy tiềm năng, với tư duy và cách làm mới, đã được chuyển giao ngọn cờ. Người viết bài này mong đợi những kết quả mới, thành tựu mới trong đào tạo, NCKH thuộc lĩnh vực môi trường nước, chất thải rắn, kể cả FSM… và chuyển giao công nghệ mới hiện đại như thoát nước bền vững, thu gom sử dụng nước mưa, công nghệ màng, công nghệ sinh học tiên tiến,…của thế hệ này.

- Trên cơ sở điều kiện vật chất, kỹ thuật đã có, thế hệ mới sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tiềm năng, thế mạnh về hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các trường đại học, các tổ chức quốc tế, trong nước, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực môi trường.

- Viết và cập nhật, cải tiến giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, đào tạo trong điều kiện mới với tính kế thừa, phát huy truyền thống và ghi thêm những trang sử mới của bộ môn.

Hà Nội, ngày 10-10-2016.

 

Quay lại mục lục