4.1.1 Nhớ lại những ngày đầu thành lập Bộ môn Cấp thoát nước

GS. TS. NGND. Trần Hiếu Nhuệ

 

Nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ

Năm 1966

          - Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam của không quân Mỹ, bắt đầu từ ngày 5 tháng 8 năm 1964. Thời gian này máy bay địch bắn phá khá dữ dôi. Trên đường đi tầu về nước cuối tháng 6 năm 1996, đến Bắc Kinh, nơi dừng chân tại khách sạn Bắc Vĩ, chúng tôi còn được nghe lời của Bác với giọng đanh thép, đọc lời tuyên bố của Chính Phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, đại ý: Này Tổng thống Jhonson, ngươi hãy trả lời, Việt Nam đem quân xâm lược Hoa Kỳ hay Hoa Kỳ đem quân sang xâm lược nước Việt Nam ?.... Và Người cũng kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: Còn Non, còn Nước còn Người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn,…

- Nửa cuối tháng 6 năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng Moscơva (MIXI) thuộc Liên xô cũ, lứa chúng tôi về nước. Tháng 8 năm này, những người tốt nghiệp MIXI được phân công về khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, gồm có các anh Phạm Văn Giáp, Nguyễn Văn Lộc, Trần Hiếu Nhuệ, Nguyễn Văn Trân, Lâm Minh Triết. Làm thủ tục từ Bộ và về trường Đại học Bách khoa-khoa Xây dựng. Tôi nhớ, trụ sở của Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp lúc đó là 34 phố Hàng Chuối. Làm thủ tục nhập trường tương đối phức tạp như nhập khẩu, tem phiếu lương thực, thực phẩm, v.v. Chúng tôi được phân chỗ ở là nhà B8 vẫn còn như ngày nay.

Trong thời gian chờ về Khoa Xây dựng của trường Đại học Xây dựng, tôi được phân công tạm thời cùng các anh ở Đại học Bách khoa phân loại và chia sách thư viện giữa các trường sẽ tách khỏi ĐHBK.

- Ngày 8 tháng 8 năm 1966, Hội đồng Chính Phủ có quyết định số 144//QĐ-CP thành lập trường Đại học Xây dựng. Cùng với Đại học Xây dựng, các trường Đại học Mỏ và Địa chất, Đại học công nghiệp Dệt và Công nghiệp thực phẩm cũng có Quyết định thành lập và tách khỏi trường ĐHBK và sơ tán ở Lạng Sơn và các nơi khác. Trường ĐHXD thì sơ tán về 2 huyện Quế Võ, Gia Lương-Hà Bắc tại 6 địa điểm: Quế Ổ, Đô Đàn, Mai Thôn (Hữu Đuống), Tiểu Than-Gốm-Xuân Dương, Nhân Thắng, Huề Đông (Tả Đuống).

+ Sau khi thành lập trường ĐHXD mới phân định rõ: các anh Phạm Giáp, Nguyễn Văn Lộc, Nguyên Văn Trân về khoa Thủy Lợi- Cảng, anh Lâm Minh Triết và tôi về khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng.

          + Sau khi nhận giấy về Khoa Xây dựng, anh Triết và tôi, trong một ngày có mưa, hai người 1 xe cuốc “Diamant” của tôi mua ở cửa hàng đồ cũ ở Moscơva, lên Tiểu Than (nơi tập kết của khoa Xây dựng), huyên Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (nay là huyên Lương Tài, Bắc Ninh).Trời mưa, từ núi thiên Thai, đường đê sông Đuống trơn, ổ gà, ngã xoành xoạch. Đến nơi, chúng tôi được gặp anh Đỗ Quốc Sam và anh Nguyễn Phụng Võ (chủ nhiệm và phó chủ nhiệm khoa Xây dựng) đang phụ trách chuyển đồ đạc từ Hà Nội lên.

          + Thời điểm này, nhóm Cấp thoát nước có các anh Trần Vân Hải, Ngô Văn Sức, Vũ Hải, Trần Hữu Uyển, Trần Đình Cương, Trần Hiếu Nhuệ, Lâm Minh Triết. Nhóm CTN cùng sinh hoạt chung với  nhom quy hoạch Đô thị gọi là bộ môn “Đô thị-Cấp thoát nước” do anh Nguyễn Phụng Võ làm chủ nhiệm Bộ môn, kiêm trưởng nhóm quy hoạch Đô thị. Anh Ngô Văn Sức là nhóm trưởng nhóm Cấp thoát nước. Nhóm Quy hoạch có các anh Nguyễn Phụng Võ, Cao Xuân Hưởng, Lê Xuân Thọ, Đặng Văn Hạnh, Nguyễn Công Viêm, Trịnh Minh Hồng. Anh Trần Hữu Uyến khi đó là thư ký công đoàn khoa Xây Dựng và là tổ trưởng công đoàn bộ môn Quy hoạch- Cấp thoát nước. Mấy tháng sau, anh Vân Hải là Đảng Ủy viên  tách khỏi bộ môn và khoa Xây dựng sang Hiệu Bộ ở Đô Đàn, là trưởng phòng Tổ chức và sinh hoạt cùng gia đình.

          + Khi chúng tôi mới về, anh em lớp Nước 62 (Cấp thoát nước khóa 7) bắt đầu làm đồ án môn học Xử lý nước thải, chúng tôi cũng tham gia hướng dẫn cùng với anh Trần Hữu Uyển.

          Tôi được biết, khi còn là Khoa Xây dựng của Đại học Bách Khoa, các nhóm Kiến trúc, Quy hoạch, Thông gió, Cấp thoát nước cùng sinh hoạt chung một bộ môn Kiến Trúc và anh Lê Bá Phong là người đầu tiên của nhánh Nước của Bộ môn Cấp thoát nước sau này. Anh Lê Bá Phong bị bệnh nhiễm trùng máu, mất năm 1965. Anh Vũ Hải, Ngô Văn Sức, Trần Hữu Uyển tốt nghiệp khóa 3 và ở lại Khoa XD-ĐHBK năm 1963. Năm 1963-1965 hai anh Sức và Uyển đi học “tiến tu sinh” ở trường Đồng Tế (Trung Quốc). Năm 1964 bổ sung anh Trần Đình Cương khóa 4 về Khoa XD-ĐHBK. Năm 1962, cán bộ chuyên ngành Cấp thoát nước từ ngành đào tạo Xây dựng và Quy hoạch Đô thị tách ra từ khóa 1 và do chuyên gia Liên Xô Na-đư-xép V.N đào tạo bồi dưỡng thêm về Cấp thoát nước. Tôi biết trong số đó có anh Nguyễn Kim Anh, sau đó làm ở Viện Thiết kế Sở Xây dựng Hà Nội.

          Cùng đợt về với chúng tôi từ MIXI, nhưng trước một chút có các anh ngành Cấp thoát nước từ KIXI là các anh Nguyễn Đình Bách, Trần Vân Hải, Trần Đình Khai, Ngô Hoàng Văn,…Anh Trần Vân Hải về ĐHXD, Các anh còn lại về Bộ Kiến trúc.

Năm 1967   

+ Thời gian đã chín muồi, nhân lực Bộ môn Cấp thoát nước đã đáp ứng “tiêu chí nhân sự Bộ môn”, thay mặt Ban Giám Hiệu, anh Nguyễn Sanh Dạn-Quyển Hiệu trưởng ký quyết định thành lập Bộ môn Cấp thoát nước ngày 04 tháng 01 năm 1967, anh Ngô Văn Sức là tổ trưởng Bộ môn. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu “mốc” của sự hình thành và phát triển Bộ môn Cấp thoát nước, trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn và khó khăn vật chất. Cả Bộ môn Đô thị - Cấp thoát nước chỉ có 1 máy chữ, 01 họa viên là chị Nguyễn Thị Thược!

+ Mặc dầu có Quyết Định từ ngày 04 tháng 01 năm 1967, nhưng hai Bộ môn vẫn còn tiếp tục sinh hoạt chung cho tới hết năm học 1966-1967. Bộ môn Đô thị cũng tách khỏi Khoa Xây dựng sang sáp nhập với bô môn Kiết trúc Dân dụng và Công nghiệp thành Khoa Kiến trúc-Quy hoạch, tại Đô Đàn, bên kia sông Đuống ở Đô Đàn, gần khu Hiệu Bộ. Năm 1968 lại sáp nhập với Khoa Kiến trúc (từ trường ĐH Kiến Trúc) thành khoa KT-QH trường  ĐHXD.

          + Khoảng tháng 2 năm 1967, bổ sung anh Nguyễn Mạnh Hải từ khóa 7 ngành Đô thị - Cấp thoát nước và được giữ lại Bộ Môn. Khoa 7 không phải làm đồ án tốt nghiệp mà chỉ phải làm báo cáo thực tập tốt nghiệp.

          + Cũng khoảng thời gian này, bộ môn được bổ sung anh Trần Cát tốt nghiệp ngành Cấp thoát nước trường Đại học VIXI (Liên Xô), Anh Lê Hoàng từ Ban Kiến thiết ĐHBK; giữa năm 1967, bộ môn được Bổ sung anh Lê Xuân Đường, cán bộ Trung cấp thí nghiệm và em Văn Tuấn cán bộ sơ cấp-quản lý tài liệu, can vẽ và thư ký bộ môn.. Trận bom Mỹ ngày 10 tháng 9 năm 1972, anh Lê Xuân Đường đã bị hy sinh. Tôi không biết rõ, khi chúng tôi đi NCS,Tuấn nhập ngũ năm 1971-1972 .

          + Khi đó, CBGD Bộ môn Cấp thoát nước phải căng ra, dậy các môn kỹ thuật cơ sở và chuyên môn cho chuyên ngành từ khóa 8 Cấp thoát nước, môn CTN các ngành của Khoa Xây Dựng, Kiến Trúc-Quy hoạch, Kinh tế Xây dựng, cả dài hạn và chuyên tu, tại chức, phân tán ở Gia Lương, Đô Đàn, Hà Nội.

+ Trong năm 1967, tôi được phân công cùng anh Mạnh Hải dẫn sinh viên khóa 8 ngành CTN thực tập thiết kế ở Bộ Kiến Trúc (Viện Thiết kế Quy hoạch, Viện Thiết kế Nhà ở (tại Trung Hà, Vĩnh Phú và Tân Lập, Hà Tây),  đi tham quan, trên địa bàn Hà Nội , Hải Phòng, như khách sạn Thống Nhất, khu Cao-Xà-Lá, nhà máy cơ khí Trung quy mô, nhà máy chế thuốc thú y, ở Hà Nội, nhà máy Nhựa Tiền Phong, Len, Cá Hộp, nhà máy nước,…ở Hải Phòng. Thực tập tốt nghiệp ở các nhà máy nước Hà Nội: như Ngô Sỹ Liên, Yên Phụ, Đồn Thủy, Lương Yên,…Tôi nhớ, sau khi tham quan nhà máy nước Hải Dương, giặc Mỹ bắn phá ác liệt, phải đổi phương án đi tầu Hải Dương-Hải Phòng bằng phương án đạp xe đạp ban đêm.

+ Khi đó có cơ hội quan hệ với Sở Giao thông Công chính (GTCC) đóng ở ngay  khu trường cấp I Vân Hồ hiện nay và liên hệ ở nhờ được khu nhà Liên cơ cạnh đó (khu nhà của Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp, tại số 1 Đoàn Trần Nghiệp, nhà B8 BK không được bố trí ở nữa vì phải đi sơ tán).

+ Tại Tiểu Than, tôi được phân công dậy môn học cấp nước cho khóa 8 và 9 Đô Thị, anh Triết được phân công dậy môn thoát nước. Ngoài ra, anh em chúng tôi được phân công dậy môn vi sinh vật nước (Nhuệ) và Hóa nước (Triết) cho khóa 11 Nước sắp tới.

Khi anh em khóa 8 ngành Cấp thoát nước (gọi là lớp 63 ngành CTN) làm đồ án tốt nghiệp, tôi được phân công hướng dẫn chính thức 2 anh : Vũ Cát Tài, Nguyễn Văn Tấn (bắt đầu từ ngày 12 tháng 9 năm 1967). Được biết anh Nguyễn Văn Tấn nguyên là giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre và đã nghỉ hưu từ năm 2009.

+ Sau 1 tuần lễ, ngày 19 tháng 9 năm 1968 đón sinh viên khóa 11 ngành Cấp thoát nước, trong đó có nhiều người chuyển từ “Cách mạng Văn hóa” ở Trung Quốc về. Tôi được phân công làm chủ nhiệm lớp này. Sinh viên 2 lớp Thông gió, Cấp thoát nước có chung một Chi bộ đảng. Thật khó cho một giáo viên chủ nhiệm chưa phải đảng viên.

Năm 1968

          + Đầu năm 1968, nhân kỷ niệm một năm thành lập bộ môn, tổ chức Hội ngành đầu tiên. Lúc đó có các sinh viên chuyên ngành Cấp thoát nước các khóa 8, 11,12 với bài hát đáng nhớ “đôi tay em kéo lên gầu nước trong” do anh Vũ Hải biểu diễn và sau này cứ mỗi lần hội ngành là mời thầy Vũ Hải lên biểu diễn.

          Khoảng tháng 7, tháng 8 thì anh Đoàn Trinh từ ĐHXD Kiep (KICI) về bộ môn Cấp thoát nước. Chị Trần Thị Thanh Thanh từ khoa Thực Phẩm về  và sẽ dậy môn vi sinh vật nước, chị Vân –vợ anh Vũ Hải về làm thư ký bộ môn. Tất cả đều ở Tiểu Than.

Trong vở ghi chép của tôi có ghi “Ngày 19 tháng 8 năm 1968 tiễn ang Ngô Văn Sức sang Liên Xô’ (MIXI). Anh Cát được cử làm tổ trưởng bộ môn (Khi đó chưa gọi là chủ nhiệm bộ môn). Cùng đi năm này có cả anh Phạm Đức Nguyên, chi lê Thị Huấn.

          Năm 1968, bộ môn được bổ sung hai họa viên là cô Toàn và Tuyến là thanh niên xung phong chuyển về.

          BCN Khoa, CBGD ở thôn Tiểu Than, sinh viên các khóa kể cả chuyên tu, tại chức và khóa  8 , 9, 10 sau là 11, 12, 13 ở các thôn tiểu than, Gốm và Xuân Dương.

- Năm 1969

          + Tháng 9 năm 1969, trong bộ môn, anh Uyển và tôi cùng được cử sang MIXI và cùng Bộ môn Thoát nước. Cùng đi một chuyến tầu và có cả anh Phâm Ngọc Đăng , làm NCS đợt đầu.

          + Đến đây cũng là kết thúc giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu của nghệ dạy học của tôi.

- Những năm 1966-1969, là những năm hừng hực khí thế của thời kỳ  “cách mạng tiến công” ở khoa Xây dựng nói chung và Bộ môn Cấp thoát nước nói riêng tại nơi sơ tán- Tiểu Than.

+ Phong trào trau dồi chuyên môn, nào là hội đàm về “vừa học-vừa làm”, hội nghị 4 tính trong khoa Xây dựng (tư tưởng, khoa học, thực tiễn và sư phạm), hội nghị “giáo viên chủ nhiệm”, dự giờ rút kinh nghiệm giảng dậy, bồi dưỡng chuyên môn- “phương pháp sư phạm”, “phương pháp giảng dạy-lên lớp”, “dạy và học ngoại ngữ”,…. Những anh biết tiếng Nga thì dậy tiếng Nga, những anh biết tiếng Anh, Pháp thì dậy tiếng Anh, tiếng Pháp. Nào là những thảo luận về “tiền đồ thầy giáo trẻ,”, tọa đàm “Kinh nghiệm công tác giáo viên chủ nhiệm”,….

+ Các Liên Chi, Chi bộ IB, các bộ môn, các phân đoàn, tổ công đoàn, Chi đoàn, Liên chi đoàn,… còn tổ chức thi đua trở thành tổ, khoa “Lao động XHCN”. Học tập hết Nghị Quyết này đến Nghị Quyết khác, học tập thư Bác. Hàng năm, hết năm học lại tổng kết “báo công - lập công”. Khi học chính trị toàn khoa đều tập trung ở vườn xoan của nhà dân. Các tổ công đoàn-phân đoàn trong khoa thi nhau, tổ chức những đêm giao lưu, hát hò, bán phở mì sợi,…Bài hát “Cô giáo về bản” của Trương Hùng Cương lớp K8 Đô thị là     dấu ấn những năm đầu bước vào nghề dậy học của chúng tôi.

+ Nhớ những ngày học tập chính trị, thảo luận ở tổ bên Đền “Voi Phục” Đô Đàn, rồi tập hát bài “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn…” rồi được nghê đồng chí Trần Tống Thứ Trưởng Bộ ĐH-THCN về nói chuyện, được nghe ngoại khóa về âm nhạc do nhạc sỹ Quốc Viễn diễn thuyết và ca sỹ Quân đội  minh họa. (ngày 14 tháng 6 năm 1968). Thật là những ngày sống đẹp và vô tư .

+ Tôi được là “phân đoàn trường” và trong BCH Chi đoàn CBGD IB của khoa Xây dựng, được phân công phụ trách công tác chuyên môn. Thời đó, trong chi đoàn có các mức phấn đấu: đảng viên, đối tượng, tích cực và “phấn đấu” một cách kiên trì và liên tục để chuyển lên mức “gần đảng” hơn cũng như trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam!

- Sau 3 năm học tập ở MIXI, đúng hạn và về nước, tiếp tục về công tác ở trường. Ngày 22 tháng 10 năm 1972 tôi về nước và ngày 7 tháng 11 thì về tới Hà Nội. Chúng tôi đi tầu liên vận về đến ga biên giới ở Lạng Sơn. Sau khoảng 10 tiếng vật vờ ở rừng, để tránh máy bay địch, phải chuyển phương tiện đi bằng ô tô trong đêm. Chiều tối lên xe và khoảng 5h sáng thì về đến ga Hà Nội. …

+ Sau khoảng 2 tuần lễ thì anh Ngô Văn Sức cũng về. Chúng tôi xin ở tạm trú ở khu “A” của trường là khu tập thể ĐHXD ở BK hiện tại. Những ngày Điện Biên Phủ trên không từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972 là những ngày chung quanh Hà Nội bị dội bom ác liệt, nhưng mọi người vẫn tin “Thăng Long phi chiến địa”, nên khi vào trong nội thành thì tạm yên tâm là an toàn tính mạng. Khi tôi đạp xe lên Hà Nội, từ số nhà 544B Bạch Mai, lên đến số 3 phố Gia Ngư là yên tâm thoát chết rồi (dân truyền miệng, với nghĩa, khi đã ở trong nội thành thì không bị bom đạn)

+ Ngày 27-1-1973, Hiệp Định Paris về ngừng bắn- đình chiến được ký tắt. Mọi người vui mừng khôn xiết.

- Một ngày nắng nóng, hai anh em, anh Sức và tôi, cùng đạp xe Hà Nội - Hương Canh. (lúc đó trường đã chuyển địa điểm từ Hà Bắc về Hương Canh và ngày 10 tháng 9 giặc Mỹ đã đánh phá ác liệt và gây bao tổn thất đối với trường ĐHXD). Ngả trưa, trời nắng chang chang. Mùa dưa chuột và dưa hồng giúp chúng tôi giải nắng.

Trường ĐHBK Hà Nội, 1966

Hương Canh, Vĩnh Phúc

Sau khi làm các thủ tục nhập lại trường, chúng tôi nhanh chóng nhập cuộc, hướng dẫn tốt nghiệp khóa 13 và dậy chuyên môn ngành 14, 15 Cấp thoát nước…..cùng các đồng nghiệp khác.

+ Khoảng thời gian này, anh em khóa 12 chuyên ngành Cấp Thoát nước cũng kết thúc ra trường. Các anh Ứng Quốc Dũng, Nguyễn Văn Tín được giữ lại bộ môn. Chi Lê Thị Dung tốt nghiệp khóa 12 từ KT cũng được về Bộ môn.

- Sau một thời gian, anh Sức được trở về vị trí tổ trưởng bộ môn và anh Cát trong Ban Chủ nhiệm khoa. Lúc này Bộ môn Cấp thoát nước đã tương đối đủ số lượng, chỉ có Đoàn Trinh đi nhập ngũ (Sức, Cát, Vũ Hải, Cương, Triết, Nhuệ, Mạnh Hải, chị Thanh Thanh, Dũng, Tín, Dung, anh Vân Hải đã đi khỏi trường và sang Đài Phát thanh ) và phụ trách cả một chuyên ngành Cấp thoát nước. Cần nhấn mạnh rằng từ khóa 11 đến nay, liên tục đào tạo chuyên ngành Cấp thoát nước, trừ khóa 26.

- Năm 1973. bộ môn được tiếp nhận anh Đỗ Hải từ LIXI về, tiếp theo là chi Lê Thị Hiền Thảo tốt nghiệp Đại học Tổng hợp về bộ môn. Khoảng cuối 1973 đầu 1974 anh Uyển về lại Bộ môn.

- Năm 1976, anh Lâm Minh Triết được cử đi NCS ở MIXI (1980 sau  khi về nước, chuyển vào trường ĐHBK TP HCM xây dựng  ngành mới), hai anh Vũ Hải và Trần Đình Cương chuyển vào TP Hồ Chí Minh, hai anh Trần Cát, Lê Hoàng vào Đà Nẵng công tác.

- Năm 1976 anh Trần Đức Hạ (LIXI), chị Nguyễn Ánh Hồng, anh Nguyễn Đình Sơn (ĐHXD Khacốp) và sau đó là chị Nguyễn Thị Kim Thái và anh Đàm Xuân Lũy (khóa 16 ngành CTN), anh Nguyễn Công Thành (LIXI), anh Nguyễn Tiến Minh (khóa 17 ngành CTN,1977), anh Mai Phạm Dinh (khóa 18 ngành CTN, 1978) về Bộ môn. Cũng khoảng thời gian này, chị Hòa từ TNXP được chuyển về làm nhân viên phòng thí nghiệm (sau cũng xin chuyển công tác về quê).

- Sau này khoảng năm 1982 , anh Nguyễn Mạnh Hải xin về Quảng Ninh, anh Đàm Xuân Lũy xin về Hải Phòng, anh Nguyễn Đình Sơn, anh Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Công Thành xin chuyển cơ quan. Một nỗi buồn và tổn thất to lớn: Anh Ngô Văn Sức bị ốm vào bệnh viện Bạch Mai ngày 6 tháng 9, phải giải phẫu sau đó và ra đi hồi 1h45 phút, ngày 8 tháng 9 năm 1982 (tức ngày 21 tháng 7 năm Nhâm Tuất). Năm 1984, anh Nguyễn Đức Thắng, khóa 25 CTN về bộ môn và kiêm nhiệm ở phòng Tổ chức cán bộ của trường cho đến nay. Trong khoảng thời gian 1987-1990 các anh Trần Hữu Uyển, Trần Đức Hạ, Ứng Quốc Dũng được cư đi học tiếp ở Liên Xô cũ.

Khoảng thời gian từ 1967 đến nay, 50 năm, là cả một quá trình trưởng thành và phát triển liên tục của bộ môn Cấp Thoát Nước-Môi trường Nước, trường ĐHXD. Trong đó :

 (1) Người quan tâm đầu tiên đối với sự hình thành và phát triển ngành đào tạo và Bộ môn  Cấp thoát nước trường ĐHXD là cố Hiệu trưởng đầu tiên của trường ĐHXD - Thầy Nguyễn Sanh Dạn kính mến. Cũng nói thêm rằng, thời kỳ còn là khoa Xây dựng, trường ĐHBK đã có những bàn luận và tranh luận, ngành Cấp thoát nước thuộc khoa Hóa hay khoa Xây dựng. Trên cơ sở mô hình đào tạo các nước Liên xô (cũ), Tiệp, Đức, Hung, Pháp,…thì ngành Cấp thoát nước thuộc khoa Xây dựng và sau là trường ĐHXD.

(2) Bộ môn CTN, trường ĐHXD đã trải qua 50 năm xây dựng, trưởng thành, lớn mạnh và phát triển. Trong thời kỳ đầu trải qua bao gian khổ, vất vả, khó khăn nhưng đầy nhiệt huyết và bền bỉ, phấn đấu liên tục. Bộ môn đã góp phần xứng đáng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Cấp thoát nước - Kỹ thuật Môi trường Nước cho đất nước. Cán bộ được đào tạo chuyên ngành từ bộ môn hiện đang công tác ở nhiều lĩnh vực, nhiều Bộ, Ngành và địa phương trên mọi miền của Tổ Quốc.

(3) Từ Bộ môn CTN còn phát triển thêm bộ môn và ngành đào tạo Công nghệ và Quản lý Môi trường Đô thị.

(4) Hiện nay Bộ môn CTN và các Bộ môn khác trong Khoa Kỹ thuật Môi trường đã lớn mạnh, là cơ sở đào tạo và NCKH mạnh cùng nhiều cơ sở khác của các trường Đại học tạo nguồn nhân lực chuyên ngành cho đất nước.

(5) Nên chú ý khuyến khích và tạo điều kiện cho con em của các thầy, cô trong bộ môn để “nối nghiệp”, thừa kế những chất xám cũng như, tài liệu chuyên ngành của cha mẹ, anh chị để lại.

 

Tư liệu để viết bài này lấy từ các nguồn:

  1. Trường ĐHXD Hà Nội 1956-1966-1984 .
  2. Trường ĐHXD 25 năm thành lập1966-1991, 35 năm đào tạo 1956-1991
  3. Kỷ yếu Bộ môn Cấp thoát nước năm 2006.
  4. Sổ tay nghi chép của tác giả từ năm1966 đến nay.
Quay lại mục lục